Linh thiêng biển, đảo Việt Nam

11/08/2016, 09:33

Bài 1: Đồng lòng hướng về Tổ quốc nơi đầu sóng

BT - Chúng ta - những người con đất Việt ai cũng biết Hoàng Sa, Trường Sa từ bao đời nay là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Không chỉ người Việt trong nước, cộng đồng người Việt ở nước ngoài và nhân dân các nước tiến bộ trên thế giới đều khẳng định chân lý ấy, bởi điều đó được minh chứng bằng những căn cứ pháp lý và lịch sử rõ ràng. Vì thế, đến với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là trách nhiệm, tình cảm và ước vọng cháy bỏng ngàn đời của lớp lớp người dân con Lạc - cháu Hồng…

         
   

      

         Ông Nguyễn Hoài Anh - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, tặng số tiền 150    triệu đồng của tỉnh cho quân, dân huyện đảo Trường Sa.

Vượt sóng ra Trường Sa

Giữa những ngày mưa, tôi cùng 14 đồng chí của đoàn công tác tỉnh rời thành phố Phan Thiết để ra thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Ngoài đoàn Bình Thuận, chuyến đi của đoàn công tác số 15 còn có 229 đồng chí thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tỉnh Sóc Trăng, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), Tổng cục Thống kê, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang và phóng viên báo, đài của các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước. Có mặt tại cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân, chúng tôi được thông báo rằng ngoài khơi biển đang động do áp thấp nhiệt đới.

Thiếu tướng Lê Minh Thành -Chuẩn đô đốc, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, nói với chúng tôi: “Những người lính hải quân đã quen với bão tố nên sẽ không có trở ngại lớn, nhưng ai mới đi biển lần đầu hoặc không quen với sóng gió biển khơi sẽ rất vất vả”. Chắc chắn như thế! Bởi Trường Sa là nơi rất khắc nghiệt. Mỗi năm huyện đảo này có hơn 130 ngày gió mạnh từ cấp 6 trở lên và phân phối không đều trong các tháng, hiện tượng giông tố rất phổ biến... Dù vậy, 244 thành viên đoàn công tác số 15 vẫn kiên quyết ra Trường Sa.

         
   

      

         Thiếu tướng Lê Minh Thành - Chuẩn đô đốc, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh    Quân chủng Hải quân tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ xã đảo Sinh Tồn.

Cô Phạm Thị Lý (67 tuổi), nguyên kế toán trưởng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết: Đến Trường Sa là mong ước từ rất lâu, nên khi biết có chuyến đi này, cô đã xin lãnh đạo tập đoàn để được cùng đi. “Kệ tuổi cao, sóng lớn! Biển, đảo của mình, mình phải đi một lần cho biết”- cô Lý phấn khởi. Trần Thị Kiều Oanh (24 tuổi), phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam “lý luận” với tôi: “Áp thấp nhiệt đới chứ sóng gió có lớn hơn nữa em cũng đi. Nhân dân, hải quân ta phải ở ngoài ấy quanh năm suốt tháng để canh giữ cho biển, trời bình yên thì không lý gì vì một tí sóng gió này mình phải hoãn chuyến hành trình. Hơn nữa, chúng ta ra Trường Sa đợt này còn mang theo tình cảm của đất liền dành cho biển, đảo, cho quân - dân nơi đầu sóng ngọn gió thì khó nhọc này có đáng gì phải không anh?”.

Nghe những lời chân tình đó, trong tôi bổng dâng trào một cảm xúc mãnh liệt và rất đỗi tự hào về Trường Sa, về con người Việt Nam. Tôi như được tiếp thêm sức mạnh vô bờ và thấy thật vinh dự là một thành viên đoàn công tác dẫu biết rằng phía trước sẽ còn lắm gian nan. Tôi tin, tình cảm cô Lý, Kiều Oanh dành cho biển, đảo quê hương cũng chính là khát vọng, tình cảm của tất cả thành viên đoàn công tác số 15 và lớp lớp người con đất Việt. Vì thế, tàu kiểm ngư KN 490 - con tàu được giao nhiệm vụ đưa đoàn ra Trường Sa và nhà giàn DK1 vẫn xuất phát đúng kế hoạch.

Nghĩa tình  đất liền - biển, đảo

Sau 2 ngày đêm vượt sóng, chúng tôi đã đến được Trường Sa. Chuyến đi này, đoàn công tác số 15 đã đến thăm, làm việc, tặng quà cho 12 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Đoàn tham gia lễ chào cờ; viếng, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các chùa; tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên vùng biển, đảo Tổ quốc; giao lưu văn hóa, văn nghệ; tổ chức tết thiếu nhi; khảo sát hệ thống điện trên các đảo, khởi công xây dựng thêm 1 nhà văn hóa đa năng với tổng số tiền gần 37 tỷ đồng. Riêng đoàn Bình Thuận tặng cho Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” 280 triệu đồng; thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang công tác, sẵn sàng chiến đấu, sinh sống tại 35 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tàu HQ 263 đang làm nhiệm vụ trực chiến tại đảo Đá Tây, cán bộ, chiến sĩ Bình Thuận đang công tác trên các đảo và nhà giàn DK1.

Nơi đảo xa, tôi còn có dịp chứng kiến nhiều câu chuyện lắng đọng cảm xúc về tình người, tình đồng chí, đồng đội. Hôm đến đảo Tốc Tan C, thấy Trung úy Nguyễn Hữu Thủy - sĩ quan thông tin của đảo có vẻ ưu tư, nhà báo Nguyễn Hòa – Báo Văn Hóa liền đến động viên, thăm hỏi rất chân thành. Nhờ vậy mới biết Trung úy Nguyễn Hữu Thủy nhận nhiệm vụ ở Tốc Tan không bao lâu thì vợ sinh con gái đầu lòng, hơn 9 tháng ở đảo anh vẫn chưa có dịp về thăm vợ con. Điều lo lắng nhất là con gái đầu lòng - Ngọc Hân của anh bị bệnh thủy đậu cấp phải điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nhưng điều kiện gia đình lại khó khăn, hai bên nội, ngoại đều ở xa nên không biết vợ con ở nhà xoay xở thế nào? Nghe đến đây, nhà báo Nguyễn Hòa liền điện về Văn phòng đại diện Báo Văn Hóa tại thành phố Nha Trang, nhờ Trưởng Văn phòng tìm cách giúp đỡ mẹ con cháu Ngọc Hân để người sĩ quan trẻ yên tâm công tác. Mấy ngày sau, nhà báo Nguyễn Hòa nhận được tin nhắn từ Trung úy Nguyễn Hữu Thủy, cho hay: Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các nhà báo và ngành y tế tỉnh Khánh Hòa, thời gian cháu Ngọc Hân nằm viện luôn được đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Nhiệt đới Nha Trang động viên, chăm sóc tận tình, chu đáo. Trọn vẹn hơn khi bệnh viện quyết định miễn toàn bộ chi phí thuốc men điều trị, nhờ vậy cháu Ngọc Hân nhanh chóng được bình phục.

         
   

Được biết, đây là lần thứ 4 nhà báo Nguyễn Hòa ra Trường Sa. Chuyến đi này, anh còn mang theo món quà vô cùng ý nghĩa, đó là hai bình chứa đất và nước được gửi từ Đền Thượng – Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương. Anh Hòa nói với tôi, hai bình này đã được Ban Quản lý Khu di tích Đền Hùng thắp hương trước bàn thờ Quốc tổ. Bởi vậy, phải giữ gìn cẩn thận để không bị sóng làm vỡ, dù bất cứ giá nào phải mang bằng được đất và nước ở Đền thờ vua Hùng đến với vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện tại, món quà ý nghĩa ấy được đặt trang trọng tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa lớn.

Cùng hướng về Trường Sa, nhà báo Lê Bình - Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Mai Phương - Thông tấn xã Việt Nam mua rất nhiều bí xanh, củ cải khô, giống rau từ Hà Nội lặng lẽ trao tặng cho cán bộ, chiến sĩ trên các đảo. Đoàn công tác số 15 khi biết gia đình Thượng úy, bác sĩ Hoàng Anh Tuấn - hiện đang công tác tại đảo Núi Le A, có hoàn cảnh khó khăn liền vận động giúp đỡ ngay trên tàu KN - 490. Cuộc vận động nhanh chóng được thành viên đoàn công tác nhiệt tình hưởng ứng, kết quả đã quyên góp được 48,5 triệu đồng để gửi, cùng chia sẻ khó khăn với gia đình bác sĩ Hoàng Anh Tuấn.

Còn rất nhiều câu chuyện cảm động, ý nghĩa dành cho biển, đảo quê mà tôi chưa thể kể hết. Và tất cả điều đó thêm một lần nữa chứng minh: Sau lưng biển, đảo Tổ quốc luôn có đất liền là hậu phương vững chắc, sẵn sàng san sẻ mọi khó khăn, gian khổ. Dù trong hoàn cảnh nào đất liền vẫn luôn sát cánh cùng biển, đảo quê hương...

L.P


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Linh thiêng biển, đảo Việt Nam