Cầu tiền tỷ xây xong rồi … "đắp chiếu"

10/08/2016, 17:45

BTO - Ngày xây dựng xong cây cầu bê tông Hồ Lân bắc qua sông Cô Kiều, người dân 2 thôn Gò Găng và Hồ Lân thuộc xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân đã không khỏi vui mừng vì từ nay việc đi lại sẽ được an toàn hơn so với cây cầu gỗ đã hư hỏng nhiều năm qua. Tuy nhiên, cầu đã xây xong gần 6 tháng nay nhưng việc đi lại của người dân lại bị ách tắc vì không có đường dẫn lên cầu và con đường vào 2 thôn ngày càng lầy lội, xuống cấp.

         

Qua cầu như làm xiếc

Trước nghịch cảnh về việc cầu xây xong nhưng không có đường lên cầu, cũng như không thể đi đường tạm dưới lòng sông vì đã vào mùa mưa nước sông Cô Kiều dâng cao, một số người dân trong thôn đã đổ đất đắp nền tạo thành một con đường nhỏ vừa đủ để xe đạp và xe máy chạy lên cầu qua sông.

Tuy nhiên, do mặt cầu cao khoảng 4m so với nền đường, nên chỉ có những người dân cam đảm nhất mới dám điều khiển xe máy như làm xiếc chạy trên con đường tạm dẫn lên cầu hết sức nguy hiểm này. Còn những người đi xe đạp thì phải xuống dắt bộ vì độ dốc quá lớn. Đã có nhiều trường hợp bị trợt té nhưng rất may chỉ bị trầy xước và hư hỏng xe máy.

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến từng tốp trẻ em đang ì ạch đẩy những chiếc xe đạp lên con đường đất đắp tạm vừa dốc cao vừa lún để lên chiếc cầu bê tông đã xây dựng kiên cố. Còn những người lớn thì vẻ mặt ai cũng căng thẳng khi lên, xuống chiếc cầu này.

         
            

Ông Trần Hưởng, trưởng thôn Hồ Lân cho chúng tôi biết, thôn Hồ Lân có 230 hộ với gần 1.250 khẩu, thôn nằm ven biển nên bà con chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Con đường qua chiếc cầu này là tuyến đường giao thông chính nối liền thôn với bên ngoài nhưng hiện nay cầu chưa đi được nên xe tải không thể vàothôn thu mua hải sản đánh bắt được, nên người dân phải dùng xe máy hoặc xe tải đi đường vòng xuống thôn khác hết sức bất tiện.

"Trong thôn không có trường học, toàn bộ học sinh thôn Hồ Lân đi học phải ra trung tâm xã, năm học mới sắp đến rồi mà đường xá đi lại khó khăn và không an toàn thế này làm chúng tôi rất lo lắng", ông Hưởng buồn bã nói.

Đường lầy lội như ruộng

Con đường mang tên đường số 18 nối từ QL55 qua thôn Gò Găng dẫn vào chiếc cầu nói trên để đi đến thôn Hồ Lân cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường lầy lội như ruộng. Chỉ có xe máy chạy nép theo hàng rào nhà dân thì mới có thể di chuyển được. Để đi đến được chiếc cầu, chúng tôi phải dừng ô tô từ phía đầu đường và đi bộ vào.

         
   

   

         Cầu Hồ Lân đã xây dựng xong nhiều    tháng nay.

Bà Lương Thị Thanh Tâm, chủ một quầy hàng kinh doanh trên con đường này nói: "Từ khi trời có mưa con đường này trở nên lầy lội không thể đi được. Gia đình tôi đã đóng tiền cho xã để làm đường từ năm ngoái mà không hiểu sao không thấy làm, đến khi lầy lội quá người dân kêu cứu thì xã cho đổ mấy xe cát kiểu như vầy càng làm đường lún và lầy lội thêm",  vợ chồng ông Cao Như Trình nhà ở gần cầu bức xúc nói:

Khi xây dựng cây cầu này gia đình ông và một số hộ dân khác bị giải tỏa đất đai và hoa màu, huyện và xã đã họp dân nhiều lần để thương lượng và chỉ đưa ra giá tạm tính. Nhưng đến nay cầu đã xây xong mà gia đình ông vẫn chưa nhận được thông báo cụ thể số tiền đền bù là bao nhiêu.

Vướng giải tỏa, đền bù

Trước những bức xúc của người dân, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Tấn Sĩ, Chủ tịch UBND xã Tân Thắng và được ông Sĩ cho biết: "Trước đây cầu qua sông Cô Kiều vào thôn Hồ Lân là cầu gỗ đã hư hỏng, không an toàn cho người dân, nên UBND xã đã kiến nghị nhiều năm và đến cuối năm 2015 thì huyện tổ chức khởi công xây dựng cầu mới. Công trình do Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hàm Tân làm chủ đầu tư, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng vốn đầu tư là 6,4 tỷ đồng, trong đó bao gồm cầu và đường dẫn. Tuy nhiên, từ lúc triển khai công trình này đã liên tục gặp khó khăn vì vướng giải tỏa đền bù. Sở dĩ đến nay cầu đã làm xong nhưng không thể làm đường dẫn lên cầu là vì vướng 8 hộ dân không đồng ý với giá đền bù. Huyện và xã đã tổ chức nhiều đoàn đến tuyên truyền vận động các hộ dân này nhưng vẫn không có kết quả".

         
      

Được biết, trước bức xúc của nhân dân phải thi công đường dẫn qua cầu, UBND huyện Hàm Tân đã chỉ đạo cho chủ đầu tư tính toán thiết kế lại đường dẫn theo hướng giảm ít nhất diện tích đất phải giải tỏa của dân. Tuy nhiên cách này có thể độ dốc của đường dẫn lên cầu sẽ rất lớn vì mặt cầu đã xây dựng xong cao gần 4m so với nền đường hiện hữu.

Còn về tình trạng xuống cấp của con đường số 18, ông Nguyễn Tấn Sĩ cho biết, UBND xã Tân Thắng đã triển khai chủ trương xây dựng con đường dài 1,8km này từ năm 2015. Đây là tuyến đường được đầu tư theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm trong đó phần đóng góp của người dân là 30%. Theo dự toán phần vốn mà người dân phải đóng góp là 800 triệu đồng. Xã đã họp triển khai, vận động người dân nhiều lần nhưng đến nay chỉ thu được khoảng 200 triệu đồng.

         
   

            

            Con đường số 18 dẫn vào thôn Hồ Lân    lầy lội, đi lại khó khăn.

"Chúng tôi đã triển khai thi công xong khoảng 500m phía thôn Hồ Lân, riêng đoạn đầu tư  QL55 vào đến cầu sở dĩ chưa làm là vì chờ thi công xong đường dẫn lên cầu mới triển khai làm.  Vì sợ nếu làm trước xe tải nặng chạy vào thi công đường dẫn sẽ làm hư hỏng con đường" ông Nguyễn Tấn Sĩ giải thích.

Dù có những vướng mắc như vị đại diện chính quyền xã Tân Thắng đã giải thích, nhưng việc để con đường huyết mạch phục vụ đi lại của hàng ngàn người dân 2 thôn Gò Găng và Hồ Lân bị ách tắc trong một thời gian dài đã khiến người dân bức xúc.

Cần có sự vào cuộc khẩn trương của UBND huyện Hàm Tân để đảm bảo đi lại cho nhân dân và các em học sinh nhất là trong mùa mưa bão và năm học mới sắp đến.

Lê Huân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cầu tiền tỷ xây xong rồi … "đắp chiếu"