Qua 5 năm thực hiện Quyết định 48 của Chính phủ: Ngư dân yên tâm bám ngư trường xa

11/08/2016, 09:10

BT - Tại Bình Thuận, sau hơn 5 năm triển khai Quyết định 48 (QĐ 48) của Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, nhiều ngư dân thụ hưởng chính sách đã yên tâm bám ngư trường xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa... (gọi tắt là các vùng biển xa). Tàu cá đăng ký thường xuyên hoạt động khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa là các tàu cá có nghề khai thác phù hợp và có hoạt động tại vùng biển quy định, bao gồm: nghề câu cá ngừ đại dương, lưới rê khơi, lưới vây khơi, câu khơi, câu mực, chụp mực và các tàu dịch vụ khai thác hải sản tại các vùng biển xa. Cùng với chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu, QĐ 48 còn hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc cho tàu…

         

Bình Thuận có nghề cá trọng điểm của cả nước, với 3.000 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, hàng năm khai thác khoảng 95.000 tấn hải sản. Từ khi thực hiện các chính sách hỗ trợ theo QĐ 48 đến nay, số lượng tàu công suất lớn hoạt động ở vùng biển xa tăng cao, giảm dần số lượng tàu công suất nhỏ hoạt động ven bờ, thu hút lao động sang làm việc trên các tàu xa bờ, góp phần giảm áp lực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Nhờ vậy, đời sống ngư dân được cải thiện theo hướng ngày càng tốt hơn.

 Ông Nguyễn Hữu Long - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 5 năm qua toàn tỉnh có 379 tàu đăng ký thường xuyên đánh bắt ở khu vực Trường Sa và nhà giàn DK1, riêng năm 2015 có tổng cộng 353 chuyến đánh bắt ở Trường Sa.  Qua soát xét, tỉnh đã hỗ trợ cho các tàu đánh bắt xa bờ với số tiền 86 tỷ đồng, trong đó 83 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho tàu thuyền, còn lại 3 tỷ đồng hỗ trợ bảo hiểm. Số lượng tàu thuyền của Bình Thuận tham gia đánh bắt xa bờ năm sau luôn cao hơn năm trước. Chính nhờ sự hiện diện của tàu thuyền trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 nhằm khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Theo ông Long, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Chi cục Thủy sản và Bộ đội Biên phòng tỉnh phát hiện một số tàu thuyền gian dối (không khai thác xa bờ nhưng cố tình kê khai để nhận tiền hỗ trợ) và kiên quyết đưa số tàu thuyền vi phạm ra khỏi danh sách hỗ trợ khai thác vùng biển xa. Đồng thời siết chặt việc quản lý tàu thuyền, bằng cách yêu cầu thuyền trưởng phải xuất trình giấy xác nhận của lực lượng biên phòng nơi tàu thuyền đang đánh bắt ở vùng biển xa. Ngoài ra, mỗi tàu thuyền còn được trang bị máy định vị tầm xa để cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát được nơi tàu thuyền đang hoạt động.

Có thể nói, việc triển khai QĐ 48 của Thủ tướng Chính phủ cho các tàu cá khai thác xa bờ của tỉnh đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đây là đòn bẩy để phát triển nghề đánh bắt xa bờ, giải quyết việc làm cho ngư dân, góp phần tăng sản lượng khai thác thủy sản cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế biển của địa phương.

Hồng Trinh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Qua 5 năm thực hiện Quyết định 48 của Chính phủ: Ngư dân yên tâm bám ngư trường xa