“Treo lều” do thiếu nguyên liệu sản xuất nước mắm

16/08/2016, 10:16

BT - Mùa cá nam năm 2016 đang bước vào cao điểm khai thác. Tuy nhiên, tại một số cảng cá trên địa bàn TP. Phan Thiết hiện khá ít nguồn cá cơm – nguyên liệu chính sử dụng để muối chượp sản xuất nước mắm. Nguyên liệu khan hiếm lại phải đối mặt với sự cạnh tranh thu mua lớn từ những ngành nghề sản xuất khác, khiến không ít cơ sở chế biến nước mắm đang phải “treo lều”.

         
   

         

            Dù có mạng lưới thu mua tốt nhưng thời điểm đầu tháng 8, cơ sở nước    mắm của ông Trương Quang Hiến mới chỉ hoạt động 50% công suất.

Giữa vụ cá nam, tuyến đường Phú Hài – Kim Ngọc vào Cụm công nghiệp hải sản Phú Hài vẫn tấp nập các chuyến xe chuyên dụng chở nguyên liệu từ các khu vực cảng cá về. Chỉ khác là điểm đến của đa phần những chuyến xe này thay vì là các nhà lều nước mắm như vốn dĩ trước đây, thì hiện nay điểm đến là các cơ sở chế biến bột cá. “Các cơ sở bột cá thu mua nguyên liệu tuy có giá thấp hơn các xưởng nước mắm, nhưng bù lại họ không kén chọn chất lượng cá nên dễ bán hơn. Ví như cá cơm loại 2, 3, ở cơ sở bột cá đều thu mua hết với mức 7.000 đồng/kg, thấp hơn một chút so với các xưởng nước mắm, nhưng bù lại họ không bỏ ra những con cá dập nát” – ông Đỗ Văn Minh, ngư dân phường Phú Hài nói.

Theo ông Trương Quang Hiến – Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Bình Thuận, vài năm trở lại đây sản lượng nước mắm trong toàn Hiệp hội liên tục sụt giảm. Nếu như năm 2012, sản lượng sản xuất đạt khoảng 15.000 tấn thì đến năm 2015, con số này chỉ còn khoảng hơn 10.000 tấn. Tình hình sản xuất trong năm 2016 hiện cũng không khá gì hơn. Trước sự cạnh tranh thu mua từ các cơ sở chế biến bột cá lẫn một số ngành nghề khác, thì để có nguyên liệu muối chượp buộc các cơ sở nước mắm phải thu mua cao hơn giá thị trường. Hiện nay, cá cơm nguyên liệu được thu mua tại cảng với giá từ 8.000 - 9.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm 2015 từ 2.500 - 3.000 đồng/kg. Giá cao là vậy nhưng cũng không dễ thu mua. “Trong số 44 thành viên của hiệp hội mới chỉ có khoảng từ 7 – 8 cơ sở có nguyên liệu sản xuất, và mức độ sản xuất chỉ dừng lại ở công suất 50%. Đối với nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chưa có đầu mối thu mua thì hiện vẫn đang “treo lều”, dù thời vụ khai thác đang vào giữa vụ cá nam” - ông Trương Quang Hiến chia sẻ thêm.

Được biết, để có nguồn nguyên liệu chế biến nước mắm, duy trì hoạt động của các nhà lều, nhiều chủ cơ sở buộc phải tìm mua cá nục làm nguyên liệu thay thế cá cơm. Tuy nhiên loại cá này cũng không đủ nhiều để muối chượp. Chia sẻ với chúng tôi, một số chủ cơ sở sản xuất nước mắm cho rằng, vài năm trước đây, mặc dù nguồn nguyên liệu không phải lúc nào cũng dồi dào nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo số lượng cá nhất định để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, từ khi các cơ sở chế biến bột cá phát triển mạnh tại Cụm công nghiệp hải sản Phú Hài thì tình trạng khan hiếm nguyên liệu đã trở thành cao điểm. Các cơ sở chế biến nước mắm cho rằng, hoạt động chế biến bột cá sử dụng một lượng lớn cá hàng ngày, không phân biệt kích cỡ cá cũng như chủng loại, nên việc mở rộng phát triển ngành nghề này sẽ gián tiếp gây ra khó khăn cho nghề sản xuất nước mắm. Đồng thời, vì chế biến bột cá không kén nguyên liệu nên nơi đây trở thành điểm thu mua nhiều loại cá chưa đến tuổi trưởng thành, tác động xấu đến nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Châu Tỉnh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Treo lều” do thiếu nguyên liệu sản xuất nước mắm