Tận thu, khai thác khoáng sản ở Tánh Linh:Thực trạng và những bất cập cần tháo gỡ

16/08/2016, 09:40

BT - Ngoài vấn đề bức xúc thiếu nguyên liệu sản xuất gạch ngói của 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh khá trầm trọng, doanh nghiệp có giấy phép thì đẩy giá bán nguyên liệu sét lên cao khiến người sản xuất không kham nổi, thì vấn đề dân khai thác cát, sét lậu lợi dụng địa bàn giáp ranh và vùng hồ Biển Lạc nên khi chính quyền Tánh Linh đi kiểm tra thì họ chạy sang Đức Linh tẩu tán tang vật gây khó cho tình hình quản lý khoáng sản trên địa bàn…

Bài 2: Gia An điểm nóng... sét lậu

BT - Ngoài vấn đề bức xúc thiếu nguyên liệu sản xuất gạch ngói của 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh khá trầm trọng, doanh nghiệp có giấy phép thì đẩy giá bán nguyên liệu sét lên cao khiến người sản xuất không kham nổi, thì vấn đề dân khai thác cát, sét lậu lợi dụng địa bàn giáp ranh và vùng hồ Biển Lạc nên khi chính quyền Tánh Linh đi kiểm tra thì họ chạy sang Đức Linh tẩu tán tang vật gây khó cho tình hình quản lý khoáng sản trên địa bàn…

Khai thác sét lậu ở Gia An.

Ở Gia An, tình hình khai thác sét lậu tồn tại cả chục năm nay, báo chí đã nhiều lần lên tiếng, người dân và cả chính quyền địa phương đều bức xúc nhưng vẫn chưa dẹp được nạn “cát, sét tặc”. Gần đây, bên cạnh việc thành lập tổ kiểm tra phòng chống khai thác khoáng sản trái phép, UBND huyện còn chỉ đạo UBND xã Gia An thành lập tổ để tăng cường thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn nạn khai thác cát, sét trên địa bàn. Thực tế qua kiểm tra, khảo sát trên địa bàn xã Gia An có 7 điểm khai thác trái phép đất sét, trong đó 3 điểm tại Cụm công nghiệp gạch ngói Gia An với diện tích khoảng 3.300m2 và 4 điểm có vị trí giáp ranh huyện Đức Linh, với tổng diện tích khai thác sét trái phép khoảng 9.000m2, độ sâu trung bình khoảng 2m.

Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện Tánh Linh đã tổ chức hơn 300 lượt kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Qua đó đã phát hiện và xử lý 245 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép với tổng số tiền phạt là 974.564.000 đồng. Trong đó UBND huyện xử lý 29 trường hợp với tổng số tiền phạt là 229.500.000 đồng. Công an huyện xử lý 81 trường hợp với tổng số tiền phạt là 429.764.000 đồng. UBND các xã, thị trấn xử lý 135 trường hợp với tổng số tiền phạt là 315.300.000 đồng.

Tình hình trên đã diễn ra trong khoảng thời gian trước và sau Tết Nguyên đán Bính Thân, từ ngày 20 tháng chạp đến ngày 10 tháng giêng âm lịch (ngày 29/1-17/2/2016). Đây là “thời gian vàng” khi cán bộ, công nhân viên được mấy ngày nghỉ tết theo quy định, và chủ yếu các đối tượng hoạt động vào ban đêm, nhất là đúng vào những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Các đối tượng vi phạm rất tinh vi, bố trí người cảnh giới, canh đường tại nhiều địa điểm trên các tuyến đường đến khu vực khai thác, khi phát hiện có lực lượng kiểm tra thì thông báo nhanh cho đối tượng điều khiển phương tiện rút khỏi hiện trường nên rất khó phát hiện quả tang. Đặc biệt tại khu vực giáp ranh xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh, khi phát hiện lực lượng kiểm tra, các đối tượng vi phạm vận chuyển nhanh về phía huyện Đức Linh. Vì vậy, mặc dù đoàn công tác của huyện và địa phương đã tiến hành kiểm tra thường xuyên (kể cả vào ban đêm) nhưng chủ yếu là ngăn chặn, hạn chế tình trạng khai thác trái phép, khó xử lý do không bắt được quả tang.

Riêng vụ vi phạm vào lúc 22 giờ, ngày 6/2/2016 (đêm 28 tết) phải qua đấu tranh, ông Võ Đình Ngọc ở thôn 3, xã Gia An mới khai nhận ông là người thực hiện việc khai thác sét trái phép, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 35 triệu đồng. Từ tháng 2/2016, đoàn công tác của huyện cùng chính quyền địa phương bố trí túc trực 24/24 giờ ngay gần tại khu vực diễn ra khai thác trái phép thì đến nay tình hình đã được khắc phục, ổn định, hạn chế tối đa khai thác đất sét trái phép.          

Thực hiện chủ trương chuyển đổi từ lò đốt thủ công sang lò Tuynel hoặc lò nằm Hoffman theo tinh thần Chỉ thị số 47/2002/CT-UBBT của UBND tỉnh Bình Thuận; trên địa bàn xã Gia An có 14 cơ sở đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho chuyển đổi sang sản xuất gạch công nghệ lò Hoffman. Để giải quyết vùng nguyên liệu cung ứng cho các lò gạch Hoffman, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1534/QĐ-UBND, ngày 8/8/2012 phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu sét để khai thác phục vụ sản xuất gạch ngói tại xã Gia An, huyện Tánh Linh, với tổng diện tích khoảng 170 ha. Đồng thời đã cấp phép khai thác hoặc bố trí diện tích khai thác cho các cơ sở được UBND tỉnh cho phép chuyển đổi sang lò Hoffman, khoảng 107 ha. Lý giải cho vấn đề ở Gia An năm nào cũng xảy tình trạng trộm sét, một cán bộ xã cho biết: Trong những năm qua, nhu cầu nguyên liệu sét phục vụ sản xuất gạch ngói trên địa bàn xã Gia An là rất lớn, toàn xã có 14 cơ sở sản xuất gạch ngói với công suất 18 triệu viên/năm, tương đương với nhu cầu 200.000m3 sét nguyên liệu. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 1 doanh nghiệp (Thuận Lợi) có đủ điều kiện về mặt thủ tục, hồ sơ để tổ chức khai thác với công suất theo giấy phép là 90.000m3/năm. Do đó, hàng năm lượng đất sét nguyên liệu thiếu hụt khoảng 110.000 m3... Trên địa bàn hiện có 9 tổ chức được UBND tỉnh cấp phép thăm dò khoáng sản với tổng diện tích là 246,793 ha, có 8 tổ chức đã hoàn thành giai đoạn thăm dò và đã được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng với tổng diện tích 239,854 ha, trong đó đã được tỉnh cấp giấy phép khai thác 196,853 ha/6 giấy phép với tổng trữ lượng là 6.142.601 m3. Tuy nhiên, chỉ có 1 giấy phép đủ điều kiện khai thác, còn lại vướng các thủ tục về đất đai, trong đó chủ yếu là vướng quy hoạch đất lúa. Tất cả các giấy phép khai thác khoáng sản sét gạch ngói đều được cấp trước năm 2012. Từ năm 2012 đến nay chỉ mới cấp được 2 giấy phép thăm dò khoáng sản sét gạch ngói (giấy phép thăm dò khoáng sản của DNTN Anh Quân và DNTN An Tiến) nên vấn đề bức xúc nguyên liệu sản xuất đang trở nên… tỷ lệ thuận với khai thác khoáng sản trái phép là điều khó tránh khỏi…

t.t


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 Tận thu, khai thác khoáng sản ở Tánh Linh:Thực trạng và những bất cập cần tháo gỡ