Đọc thơ Bùi Giáng:  “Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu…”

05/08/2016, 10:17

BT- Nhà thơ Bùi Giáng (ảnh) có 4 câu thơ bí ẩn nổi tiếng:

Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu

Hỏi quê: Rằng mộng ban đầu đã xa

Gọi tên là một hai ba

Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm

Nghe nói bài thơ 4 câu này in trong tập thơ  “Chớp biển” của ông, với tựa đề  “Tặng Mã Giám Sinh”, hình thức phỏng theo 4 câu Kiều: “Hỏi tên rằng Mã Giám Sinh/ Hỏi quê rằng huyện Lâm Thanh cũng gần/Quá niên trạc ngoại tứ tuần/Mày râu nhẳn nhụi áo quần bảnh bao”. Nếu thông tin trên đây là đúng thì đây có lẽ là một cách đùa “Vui thôi mà” của Bùi Giáng. Quả thực đề tài và nội dung bài thơ “Tặng Mã Giám Sinh” có cái gì đó trái ngược nhau, giống như hình thức tiếu điên bề ngoài và tâm hồn sâu thẳm bên trong chưa đo lường được của ông.         

Tôi không có may mắn được gặp Bùi Giáng, tuy nhiên nhìn ảnh ông, tôi rất ấn tượng với đôi mắt sáng trên gương mặt có thần thái khác thường. Nghe nói ông là người ngồi thiền đã lâu năm và rất gần gũi các bậc cao tăng. Mấy năm trước đây, đọc bài thơ này của ông, tôi không hiểu gì cả, rồi quên ngay. Gần đây, tình cờ đọc lại, những câu thơ lung linh như tự bộc lộ mình… Vì vậy, người viết xin ghi lại đây những cảm nhận của mình gọi là mạo muội góp một que diêm để thêm một góc nhìn, hầu góp phần soi rọi một hiện tượng văn học đặt biệc, đã và sẽ còn tốn nhiều giấy mực của những người yêu thơ văn nước ta…

- Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu

Biển xanh dâu do câu: “Thương hải biến vi tang điền” nghĩa là biển xanh hóa thành ruộng dâu, ý nói sự đổi thay ở trên đời.

Theo tác giả Trần Đình Thu trong sách: “Bùi Giáng - Thi sĩ kỳ dị” thuở nhỏ ông tên là Bùi Khắc Gián, sau lớn đến tuổi đi học, ông được thầy giáo đổi tên lại là Bùi Giáng. Vậy từ “Gián” (cách ra) đến “Giáng”(hạ xuống) là sự đổi thay chăng ? Hay với các bút danh khác nhau: Trung Niên Thi Sĩ; Bùi Bán Dùi; Vân Mồng… là ý của sự đổi thay?

Theo tôi, ý nghĩa sự đổi thay của cái tên trong câu thơ này sâu sắc, mênh mông hơn. Ông không nói về bản thân mình mà  muốn nói rằng mọi sự vật và con người tồn tại trên cõi đời này đều là những tập hợp hữu hạn, nhà Phật nói là hợp duyên mà thành, hết duyên thì tan hoại. Vạn vật đều vô thường, cái tên để chỉ cho vật vô thường đó thì cũng là tạm gọi. Quan trọng chăng là những việc đã làm được cho cuộc đời. Cái danh chỉ làm nặng thêm bản ngã, nên không cần thiết phải xưng tên.

- Hỏi quê: Rằng mộng ban đầu đã xa

Quê Bùi Giáng ở làng Thanh Châu, xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên theo mạch thơ, đối với một người đã xem danh tánh là vô thường, sắc thân tứ đại là vô ngã thì hẳn không còn xem quê hương là nơi sinh ra ở kiếp sống này. Vậy cái quê hương “mộng ban đầu đã xa” của ông là gì?

Đó có thể là cái “không thể nghĩ bàn” mà các nhà Nho gọi là cõi Uyên nguyên, Lão Tử gọi là Đạo, nhà Phật gọi là Chân như Phật tánh. Bản thể con người từ đó, vạn vật từ đó mà ra. Do vướng bụi trần nên con người đã phải xa rời cõi tịch tĩnh an lạc đó, mà chịu trầm luân trong bể khổ cuộc đời.

Nhưng tìm lại Chân như Phật tánh ở đâu? Ở Tây phương miên viễn hay thăm thẳm trên thượng tầng không gian vũ trụ nào?!

Xưa, Hoàng đế Thuận Tông Trung Hoa hỏi: - Phật tánh là cái gì?

Thiền sư Ngô Hồ Đại Nghĩa đáp: - Cái ấy chẳng xa chỗ xuất phát ra câu hỏi của bệ hạ.

Thiền sư Nguyện Học người Việt đời vua Lý Anh Tông nói văn vẻ và minh triết hơn: “Đạo không hình bóng/Trước mắt đâu xa/Tìm tự lòng ta/Chớ tìm chốn khác…”.

Vậy quê hương mộng ban đầu của Bùi Giáng ở ngay trong tâm mỗi người, nhưng không dễ gì nhận ra và quay về cõi ấy. Có lẽ chỉ những người đã đến bờ bên kia (đáo bỉ ngạn) mới biết nẻo mà thôi. 

- Gọi tên là một hai ba

Đạo Đức Kinh của Lão Tử viết: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật…”. Lão Tử chỉ viết vậy thôi, người đời sau suy diễn rằng: Đạo (cái nguyên lý tuyệt đối của vũ trụ) sinh ra thái cực (một); thái cực sinh âm, dương (hai); âm dương sinh thiên, địa, nhân (ba), từ đó sinh thành ra vạn vật…

Như vậy “một hai ba” ở đây để chỉ cho vạn vật có hình tướng, có tên gọi. Mà kinh Phật nói vạn vật có hình tướng đều như mộng, huyễn, bọt, bóng (Nhất thiết hữu vi pháp/Như  mộng, huyễn, bào, ảnh…) nghĩa là đều vô thường sanh diệt, như biển xanh rồi sẽ biến thành ruộng dâu, nên đều không phải là chân giá trị ở đời. Vậy cứu cánh của cuộc đời là quay về cái không có hình tướng, không thể gọi tên mà Bùi Giáng chỉ ra một cách nên thơ là mộng ban đầu.

- Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm

Đếm là sổ tức, là phép ngồi thiền  đếm hơi thở để đưa hành giả quay về với bản thể chân tâm, tức trở về với quê hương mộng ban đầu của Bùi Giáng. Con người vì vọng tưởng ham muốn rồi thất vọng nên sinh ra phiền não khổ đau. Thiền là diệu pháp để nhận biết thực tại, tiêu trừ vọng tưởng, đạt đến an lạc và giải thoát.

Đo là cân đong nặng nhẹ, dài ngắn vì tâm còn nghi ngờ, phân biệt, mong cầu, chưa  biết rằng có dương thì phải có âm, có phúc thì có họa liền kề. Con người nếu biết đủ, biết chấp nhận khi không tránh khỏi, thì sẽ được bình tâm, an lạc.

Câu thơ cuối này đã nói lên một cách chắc chắn rằng Bùi Giáng có thực hành thiền định, đã buông xả tâm phân biệt nhị nguyên để quay về với quê hương mộng ban đầu của mình. Chưa thể nói là ông đã sở đắc được điều gì, tuy nhiên qua thơ của ông, có cái gì đó vượt trên mức bình thường của nhận thức con người, như hai câu sau đây : Trong linh hồn một bông hoa/Hình như có cõi người ta đàng hoàng…”. 

Tóm lại qua 4 câu thơ trên, Bùi Giáng muốn nhắn nhủ rằng đời là vô thường, trần gian là cõi tạm, con người cần biết buông bỏ để quay về bản tâm an lạc của mình. Những đạo lý to tát đó được thể hiện bằng bài thơ có giọng điệu tự nhiên, vui vẻ, gợi hình gợi cảm, hơi thơ nhẹ như không, cho thấy tâm hồn nhà thơ cũng rất nhẹ nhàng thanh thoát. Phải chăng ông là một người đã đến gần bờ giác, mà thi tài đã được minh định để dâng tặng, làm phương tiện chuyển hóa cho đời, nên ông vui lòng làm một nhà thơ “thõng tay vào chợ”, không màng đến tên tuổi, cương vị, hình thức bên ngoài. Trên hành trình nhập thế đó, từ bồ đề  tâm  như nhiên của ông, đã kết tinh một vườn hoa lá nhiều hương sắc, mà bài thơ trên đây là một đóa sen tươi tắn ngát hương. 

Hoàng Hạnh


Related articles

(2) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đọc thơ Bùi Giáng:  “Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu…”