Hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp

02/08/2016, 09:00

BT- Trong nền kinh tế, doanh nghiệp là một bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, có tính quyết định trong việc giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao và tác động tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như biến đổi các vấn đề đời sống xã hội.

Nghị quyết 35 (ngày 16/5/2016) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh; khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội…

Chương trình hành động của UBND tỉnh Bình Thuận về thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ cũng đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 4.250 doanh nghiệp hoạt động; khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp 30% GRDP, khoảng 45% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và 85% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tạo thêm khoảng 12.000 việc làm.

Trong những năm qua, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh cả về quy mô và chất lượng (đến nay có khoảng 3.100 doanh nghiệp đang hoạt động) đã làm cho tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của khối doanh nghiệp vào GRDP của tỉnh nâng lên, đem lại một khối lượng hàng hóa và dịch vụ lớn hơn, phong phú hơn và chất lượng hơn. Tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ; bình quân vốn của doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 10 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên 100 đồng vốn chỉ đạt 1,42. Điều đó cho thấy khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp và sẽ có nhiều khó khăn khi phải đối đầu với các đối thủ mạnh trên thế giới sau các hiệp định thương mại được ký kết giữa Việt Nam và các nước.

Để hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh, một mặt bản thân doanh nghiệp phải chủ động vươn lên đón bắt thời cơ, mặt khác các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tích cực tham gia gỡ khó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Điều đó đòi hỏi các ngành, các cấp có liên quan đến hoạt động doanh nghiệp phải tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo ra môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; tuyệt đối không đặt ra các rào cản, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động doanh nghiệp. Trong cải cách thủ tục hành chính cần chú trọng việc công khai quy trình, thủ tục về điều kiện kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; công khai kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Tiến hành rà soát thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo hướng gọn nhẹ và thông báo “một lần” toàn bộ nội dung khi có yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ. Quy định rõ thời gian và các khoản phí của từng thủ tục hành chính với mức thấp nhất có thể tạo nên môi trường kinh doanh minh bạch, tiên lượng được. Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức để họ có phong cách làm việc hiện đại, nhanh chóng, giải quyết công việc hiệu quả; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ cho cán bộ công chức cộng với việc tiến hành mạnh mẽ các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Cùng với cải cách thủ tục hành chính, cần phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhất là nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận Đề án quốc gia về hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; triển khai tốt các cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai và sử dụng hiệu quả đất sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại và khuyến công thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh về đào tạo, tư vấn, thông tin, thị trường; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết thị trường quốc tế.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo những quyền kinh doanh được pháp luật quy định; tránh tình trạng trùng lắp, chồng chéo trong thanh, kiểm tra (không quá 1 lần/năm/ doanh nghiệp), hạn chế tiêu cực trong việc lợi dụng thanh tra, kiểm tra để gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để doanh nghiệp kinh doanh theo đúng pháp luật.

H.L


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp