“Không muỗi vằn, không sốt xuất huyết”

25/07/2016, 09:39

BT- Cách thiết thực, hiệu quả nhất trong công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH), Zika và giúp đẩy lùi nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cả cộng đồng là các đơn vị, chính quyền tại địa phương cùng người dân chủ động, tích cực tham gia vào chiến dịch diệt lăng quăng, muỗi gây bệnh, tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đó là kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong phát động chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng năm 2016.

SXH là một trong những bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới. Từ năm 2005, Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định SXH trở thành một vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm và lo ngại. Bệnh SXH do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; phòng bệnh chủ yếu là phun hóa chất diệt muỗi và diệt lăng quăng.

Tại Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm nhưng dễ bùng phát thành dịch vào mùa mưa, nhất là tháng 7, 8, 9, 10, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Nơi muỗi sinh sản thích hợp là các nguồn nước ứ đọng do con người tạo ra và luôn hiện diện xung quanh môi trường nước trong chậu kiểng, lọ hoa, lốp xe, vỏ đồ hộp, chum, vại… nếu không thường xuyên vệ sinh. Đặc biệt ở vùng nông thôn, tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch khiến người dân có thói quen tích trữ nước sạch trong lu, hồ… không có nắp đậy kín dễ tạo điều kiện cho muỗi sinh sản. Muỗi truyền bệnh SXH hay gọi muỗi vằn có đặc điểm dễ nhận bết, màu đen, thân và chân có những đốm trắng. Muỗi vằn thường trú đậu ở các xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng. Con muỗi cái đốt người vào ban ngày, thường sáng sớm và chiều tối.

Để chủ động phòng, chống bệnh SXH hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành y tế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tại gia đình như: tự xử lý, súc rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước, đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng. Thả cá ăn lăng quăng vào các dụng cụ chứa nước, bỏ muối vào chén kê chân chạn, thay nước bình bông. Thu dọn các vật phế thải quanh nhà (chai, lọ, lốp xe, vỏ dừa...); ngủ mùng, kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi… đề phòng muỗi đốt. Cho người bị SXH nằm trong mùng, tránh muỗi đốt để lây lan bệnh cho người khác. Người dân cần tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch SXH và Zika.

Trang Minh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Không muỗi vằn, không sốt xuất huyết”