Thoát nghèo và “cái cần câu”

29/07/2016, 10:14

BT- Tôi ngồi nói chuyện với ông Ngô Gia Vĩnh, thôn trưởng thôn 10 ở xã Đức Tín, huyện Đức Linh về chuyện làm ăn của bà con trong thôn. Thôn 10 có 305 hộ, bà con chịu khó làm ăn, biết chuyển đổi cây trồng vật nuôi hợp lý nên đời sống của người dân gần đây khá lên. Nổi lên có 20 hộ nhận trồng  khổ qua giống, kết hợp với xen canh, thu nhập bình quân  mỗi hộ trong năm trên 200 triệu đồng/ha. Thế nhưng cũng ở thôn 10 lại có 22 hộ nghèo, sống tập trung ở một phần thôn. Chúng tôi ngạc nhiên hỏi vì sao lại ở tập trung mà không rải rác thì trưởng thôn đáp: Do xã  dành riêng một quỹ đất cấp cho  hộ nghèo xây nhà, vì thế mà thành tập trung.

                
Chẻ mì thuê.

Nói rồi ông dẫn chúng tôi đến xóm của những hộ nghèo cách đó không xa. Một dãy nhà khá giống nhau hiện ra trước mắt. Phía trước mỗi căn nhà, thỉnh thoảng thấy những tấm bảng ghi tên đơn vị hỗ trợ xây nhà như: Đài PTTH Bình Thuận, Công an tỉnh… Hóa ra, dù được địa phương cấp đất nhưng 22 hộ nghèo cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ của nhiều cơ quan trong tỉnh, trong huyện. Lý do, đa phần trong  số 22 hộ nghèo đều không có việc làm ổn định,  đa  phần là  thời vụ, thu nhập vì thế thấp. Cái khó cứ đeo đẳng quanh họ.  Chị Trần Thị Nụ, một phụ nữ đứng tuổi đang gọt mì phơi trước sân, cho hay: Nhà 6 người, chồng thì bệnh suốt không làm gì được. Đứa con trai của chị, sau tai nạn giao thông, giờ nằm một chỗ. “Khổ lắm cô ạ!”, chị Nụ nói.

Gần bên là nhà chị Nguyễn Thị Diệu. Chị Diệu đang bóc lụa hạt điều thuê, 1 ngày bóc được 2kg, được 16.000 đồng đủ mua gạo ăn cho gia đình 5 người. Chồng đi cạo mủ cao su cũng không được bao nhiêu tiền…

Các hộ nghèo ở đây được chính quyền địa phương hết lòng hỗ trợ. Mỗi khi có sự giúp đỡ nào dành cho địa phương thì 22 hộ dân nghèo gần như có tên trong danh sách. Tuy nhiên, về lâu dài để 22 hộ nghèo vượt lên thì cần đến một sự giúp đỡ về đào tạo nghề, một cái nghề nào đó mà người dân sống được, đi cùng theo đó là một khoản tài chính  đủ để mua sắm phương tiện ra nghề, làm ăn.  Không có nó thì khó lòng thoát nghèo. Thế mới biết, cho cần câu quan trọng hơn là cho con cá. Chúng tôi nghĩ đến việc mỗi địa phương cần kêu gọi sự đóng góp của những người  có tấm lòng hảo tâm để xây dựng nguồn quỹ từ thiện - xã hội, giúp người nghèo ở địa phương mình, thoát nghèo.

Hà Thu Thủy


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thoát nghèo và “cái cần câu”