Thương vợ chồng già nuôi con bị tâm thần

18/07/2016, 11:03

BT- Nếu không có chú Thủy dẫn vào thì tôi chắc chắn không tin đây là ngôi nhà với 3 nhân khẩu. 4 bức vách nhà toàn vải dầu và bùn. Ngôi nhà đã xơ xác nhưng cuộc sống của những người trong nhà còn bi thảm hơn.

Mong muốn lớn nhất của vợ chồng ông Theo là xây được cho con một ngôi nhà.

Nhà nghèo, ông Trần Văn Theo (thôn Lâm Lộc 1, xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong) từ nhỏ đã đi làm mướn cho các hộ dân trong thôn. Lớn lên một chút ông theo người chú đi biển kiếm cơm. Năm ông 18 tuổi thì kết hôn với bà Bùi Thị Tặng ở cùng địa phương. Hai đứa con, một trai, một gái lần lượt ra đời. Dù hết sức chăm chỉ nhưng thu nhập của gia đình chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. 40 năm trôi qua nhưng gia đình ông vẫn chưa thể xây nổi một ngôi nhà gạch. Niềm hy vọng lớn nhất của ông Theo là người con trai Trần Thanh Tùng (SN 1980). Khoảng năm 2005, anh Tùng xin vào làm tại một lâm trường ở huyện Tuy Phong. Đến năm 2007, anh Tùng thi đậu vào Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh. Ông bà vui mừng khôn xiết. Dù nhà nghèo nhưng ông bà quyết định cho con đi học. Để có tiền cho con đi học, ông bà đã quyết định bán khu rẫy duy nhất của gia đình. Sau khi bán rẫy, hai ông bà trắng tay phải đi làm mướn kiếm ăn qua ngày. Năm 2011, anh Tùng học xong và được nhận vào làm tại Chi cục Kiểm lâm, huyện Tuy Phong. Nhưng niềm vui chẳng được tày gang. Năm 2013, trong khi đi làm về, anh Tùng bị tai nạn giao thông. Vụ tai nạn không lấy đi sinh mạng của anh nhưng phần đầu thì bị ảnh hưởng nặng. Anh Tùng lúc tỉnh lúc mê không đủ khả năng làm việc nên được cơ quan giải quyết cho nghỉ việc. Những lúc anh Tùng lên cơn thì gặp ai là chửi người đó. Lúc đầu chúng tôi đến, anh Tùng đi đâu đó không rõ. Khoảng 30 phút sau anh Tùng về nhà. Thấy nhiều người anh giơ tay và nói “xin chào tất cả quý vị. Chúc quý vị sức khỏe”. Nghe tiếng chào mà ai trong đoàn cũng nhói lòng. Mới 36 tuổi mà thân hình anh Tùng như ông lão 60. Tóc bạc gần hết, gầy gò, ốm yếu xanh xao…

Bà Tặng năm nay 76 tuổi và ông Theo 77 tuổi nhưng ông bà không từ chối bất kỳ công việc gì. Từ cuốc đất, nhổ cỏ cho đến trồng cây. “Giờ cả nhà sống nhờ những ngày công làm mướn của tôi với bả nên ai mướn gì mình cũng phải đi. Đi để có cái cho thằng Tùng nó sống chứ. Giờ mình còn sống ngày nào thì phải cố lo cho nó ngày đó”, ông Theo chia sẻ.  Nhưng công việc làm mướn ngày có, ngày không và tuổi ông bà đã cao nên người ta cũng ngại thuê mướn. Hôm chúng tôi đến ông bà đã 4 ngày thất nghiệp. Như vậy, chi phí sinh hoạt của 3 người trong 4 ngày qua chỉ vỏn vẹn có 110.000 đồng tiền công của ông Theo làm mấy ngày trước. “Giờ mình già rồi, sống hay chết cũng chẳng sao. Chỉ tội thằng Tùng, khi tôi mất đi ai sẽ lo cho nó. Không biết trời mưa nó có mang nổi cái chậu ra hứng nước dột hay không? Phải chi tôi có tiền xây cho nó căn nhà thì tốt biết mấy”, ông Theo vừa nói vừa khóc.

Chúng tôi rời nhà ông Theo khi cơn mưa chiều bắt đầu nặng hạt. Trong nhà vọng ra tiếng ông Theo gọi bà Tặng mang cho mình cái chậu để hứng nước mưa tại chỗ ngủ của anh Tùng. Hình ảnh đó cứ hiện lên trong tôi suốt quãng đường về. Cha mẹ lo cho con cái những mong cuối đời nhờ cậy. Nhưng với trường hợp của vợ chồng ông Theo thì “trời phụ lòng người”, một đời vất vả nuôi con…

Hiện tại vợ chồng ông Theo đang rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng, mọi sự giúp đỡ  vui lòng liên hệ số điện thoại 01677663985 (gặp chú Thủy, Trưởng thôn Lâm Lộc 1, xã Hòa Minh) hoặc số điện thoại 0908415379 (gặp Luân, phóng viên Báo Bình Thuận).

Mai Vân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương vợ chồng già nuôi con bị tâm thần