Làm gì để chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả?

18/07/2016, 10:41

BT- Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Bình Thuận, thời gian gần đây công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả được triển khai tích cực. Nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày trên đất lúa nhằm sử dụng nguồn nước tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng đất là giải pháp tối ưu để ứng phó với nắng hạn ở Bình Thuận.

 Trong sản xuất vụ đông xuân 2015-2016, do nắng hạn nghiêm trọng, toàn tỉnh đã cắt giảm không bố trí sản xuất 15.423 ha lúa, và đã chuyển đổi 5.795 ha đất lúa sang trồng các cây ngắn ngày khác (bắp 2.822 ha; lạc 238 ha; rau các loại 865 ha; đậu các loại 1.298 ha; các cây nông nghiệp ngắn ngày khác là 573 ha). So với kế hoạch, kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngắn ngày trên đất lúa năm 2016 mới chỉ đạt 93,5%. Tuy nhiên, đây là một kết quả đáng phấn khởi trong tình hình hạn hán đang diễn ra hết sức khốc liệt tại tỉnh Bình Thuận. Bên cạnh một số địa phương không triển khai được công tác chuyển đổi do thiếu nước, các địa phương khác đã tăng cường chỉ đạo công tác chuyển đổi cây trồng nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất và tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới (huyện Bắc Bình tăng 130%, Hàm Thuận Bắc tăng 313%, Đức Linh tăng 109%, Hàm Tân tăng 131% so với kế hoạch). Nhìn chung, các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa đều cho năng suất, hiệu quả cao so với sản xuất lúa, đồng thời tiết kiệm nước và phần nào khắc phục tình trạng thiếu nước trong vụ đông xuân. Các nhóm cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, sử dụng nước ít cũng được địa phương chủ động khuyến khích phát triển như nhóm rau-đậu, nhóm thức ăn chăn nuôi. So với cây lúa, các cây trồng khác luân canh trên đất lúa đều cho lợi nhuận cao hơn (lãi bình quân trên 1 ha/vụ của lúa là 6,8 triệu đồng; bắp là 9,2 triệu đồng; lạc là 20 triệu đồng; đậu các loại 24 triệu đồng; rau là 17 triệu đồng, cỏ chăn nuôi và cây ngắn ngày khác là 25 triệu đồng). Kết quả chuyển đổi sản xuất cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả tuy bước đầu chưa nhiều (5.795 ha/ 43.235 tấn sản phẩm) nhưng cũng đã tạo một số hiệu ứng tích cực trong sản xuất nông nghiệp, nhất là tạo hướng đi mới trên đất canh tác lúa nước từ quản canh, thu nhập thấp sang luân canh có thu nhập cao, tiết kiệm nước tưới.

Những kết quả trên mới chỉ là bước đầu, bên cạnh mặt được vẫn còn những hạn chế cần tháo gỡ. Hiện nay, để giúp nông dân Bình Thuận chuyển đổi cây trồng có hiệu quả cao, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh cần phải lựa chọn loại cây trồng phù hợp để hướng dẫn nông dân chuyển đổi. Trên cơ sở kết quả các mô hình thí điểm và điều kiện cụ thể của địa phương để xác định các công thức luân canh giữa lúa và các cây trồng khác đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất.

Để đẩy mạnh giải quyết những khó khăn trong việc chuyển đổi cây trồng, tỉnh cần có thêm nhiều chính sách hơn nữa hỗ trợ đủ sức hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành những vùng chuyển đổi tập trung, tạo khối lượng hàng hóa lớn, đủ điều kiện xây dựng cơ sở chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Từng địa phương cần có quy hoạch cụ thể vùng chuyển đổi tập trung để đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi phù hợp với cây trồng chuyển đổi, nâng cao hiệu quả đầu tư. Cần phát huy sự liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân) để có các giải pháp về giống, về kỹ thuật, công nghệ chuyển giao cho nông dân mới đảm bảo đạt năng suất cao. Về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu, tạo chọn bộ giống cây trồng phù hợp với từng địa phương, có các gói giải pháp kỹ thuật đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Cơ quan khoa học và doanh nghiệp cần chế tạo, cải tiến các loại máy móc phục vụ làm đất, lên luống, gieo hạt, làm rãnh, chăm sóc, thu hoạch và làm khô sản phẩm phù hợp với vùng để chuyển giao cho nông dân. Bên cạnh đó, về lâu dài, tỉnh cần hoàn thiện về thể chế và chính sách hỗ trợ chuyển đổi trên đất trồng lúa; hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là thủy lợi của các vùng chuyển đổi; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khuyến nông phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ… Đặc biệt, chỉ hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng khi nắm vững được thị trường tiêu thụ.

Huỳnh Thanh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả?