Bất cập trong quản lý, khai thác vật liệu xây dựng

14/07/2016, 09:05

Bài 2: Giấy phép khai thác:  Cát xây như khoáng sản quý titan, vàng…

Đấu giá nhiều khu vực mỏ

BT- Đầu năm nay, Sở Tài nguyên & Môi trường đã giới thiệu 26 khu vực điểm mỏ cho các cơ sở, doanh nghiệp tham gia đấu giá. Cụ thể ở huyện Tuy Phong với mỏ cát bồi nền: Giếng Chuông (xã Bình Thạnh), Sũng Heo (xã Hòa Minh). Huyện Bắc Bình với mỏ đá xây dựng Núi Dây (thôn Láng Xéo, xã Sông Bình); Núi Rễ (xã Bình Tân); Trũng Chiễu Tân Hòa (Sông Bình); mỏ cát bồi nền thôn Suối Nhuôm (Sông Lũy). Huyện Hàm Thuận Bắc có mỏ cát bồi nền thôn 5, thôn 6 (Hàm Đức), cát xây dựng xã Hàm Chính. TP. Phan Thiết với mỏ cát bồi nền Thiện Nghiệp, Tiến Thành. Hàm Thuận Nam có các mỏ cát xây dựng, bồi nền, vật liệu san lấp tại Tân Lập, Hàm Kiệm, Hàm Cần. Hàm Tân sở hữu mỏ cát bồi nền thôn 2 Sơn Mỹ, Tân Hà, Tân Xuân. Huyện miền núi Tánh Linh có mỏ sét thôn 1, Gia An; mỏ đá chẻ Đức Bình. Đức Linh với mỏ vật liệu san lấp Đồi Mâm Xe (xã Đông Hà), cát xây dựng Tân Hà…

Theo quy định, mỗi khu vực mỏ phải có 3 hồ sơ tham gia dự thầu; cơ sở, doanh nghiệp chứng minh báo cáo tài chính rõ ràng trong 3 năm gần đây. Qua thẩm định hồ sơ dự thầu gần 2 tháng đối với các đơn vị tham gia, Sở Tài nguyên & Môi trường đã tổ chức đấu giá, chỉ có 4 doanh nghiệp trúng thầu các mỏ vật liệu xây dựng thông thường. Cụ thể, DNTN Sơn Thắng (TP. Phan Thiết) được làm thủ tục tại mỏ cát xây dựng xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc rộng 15 ha. Tương tự, Công ty TNHH Trung Nguyên - mỏ vật liệu san lấp Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc) rộng 20 ha; Công ty TNHH Nguyên Bình - mỏ cát bồi nền xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết rộng 17 ha; DNTN An Tiến - mỏ sét nguyên liệu gạch Gia An (Tánh Linh) rộng 7 ha. 

                              
Phương tiện vụ khai thác cát trái phép tại    Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc.
   
Các đối tượng để lại ống hút cát lậu tại    hiện trường.

Nhiêu khê thủ tục

  Sau khâu đấu giá ban đầu, 4 doanh nghiệp thực hiện hai bước tiếp theo đầy đủ thủ tục theo quy định tại hai Điều 47, 50 của Luật Khoáng sản. Theo đó, Điều 47 hồ sơ cấp giấy phép thăm dò khoáng sản gồm 6 loại: đơn đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, đề án thăm dò phù hợp quy hoạch, bản đồ khu vực, cam kết bảo vệ môi trường… Thời gian hoàn thành bước này 3 tháng. Còn ở Điều 50 thủ tục thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản gồm 4 loại: đơn đề nghị, bản sao đề án, giấy phép thăm dò khoáng sản, biên bản nghiệm thu khối lượng, chất lượng công trình thăm dò, báo cáo kết quả thăm dò kèm các phụ lục bản vẽ tài liệu nguyên thủy có liên quan và bản đồ số hóa. Hoàn chỉnh bước này lên đến 6 tháng. Cuối cùng giai đoạn doanh nghiệp gửi sở ngành chức năng xem xét thủ tục hoàn chỉnh hồ sơ, Sở Tài nguyên & Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản, trong thời gian tối đa 3 tháng. Một doanh nghiệp xúc tiến nhanh nhất, hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp giấy phép trong vòng một năm!

Hiện tại 4 doanh nghiệp ở Bình Thuận trúng thầu vật liệu xây dựng thông thường đã lập hồ sơ đề án thăm dò khoáng sản nộp tại Tổ một cửa Sở Tài nguyên & Môi trường. Sở công bố công khai tên đơn vị tại trụ sở làm việc; rồi thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh cấp giấy phép thăm dò cho các doanh nghiệp… Với quy định chặt chẽ như trên (Điều 47, 50), doanh nghiệp nào thực hiện thủ tục, triển khai thực địa đồng bộ, phải đến giữa năm 2017 mới được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Các doanh nghiệp còn phải tiến hành lập thủ tục xin thuê đất, ký hợp đồng thuê đất trong khai thác khoáng sản, nộp tiền cấp quyền khai thác; đối với đất của dân đơn vị thỏa thuận đền bù...

 Một lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường Bình Thuận cho rằng, Luật Khoáng sản ban hành 2010 có hiệu lực ngày 1/7//2011 nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành luật ban hành còn chậm. Ngoài ra hoạt động khoáng sản còn bị điều chỉnh bởi một số văn bản pháp luật khác như: bảo vệ môi trường, đất đai, tài nguyên nước. Công tác cấp phép khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường phục vụ xây dựng ở địa phương chưa kịp thời, các loại khoáng sản vật liệu san lấp, cát xây dựng, đá chẻ chưa đáp ứng được nhu cầu trong nhân dân.  

Giảm bớt thủ tục hành chính

Bởi thủ tục đối với vật liệu xây dựng thông thường quá khắt khe, nhiều doanh nghiệp hành nghề lĩnh vực này ở Bình Thuận kiến nghị giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thông thoáng khai thác, kinh doanh. Cụ thể, quy trình thẩm định các hồ sơ dự thầu, tổ chức đấu giá… thời gian tối đa 55 ngày, có thể giảm xuống; không quy định cứng nhắc một điểm mỏ có 3 đơn vị dự thầu mới xem xét đấu giá. Sau khi trúng thầu, doanh nghiệp lập hồ sơ thăm dò khoáng sản nộp lên Sở Tài nguyên & Môi trường công khai tên tổ chức, cá nhân 30 ngày, mới thẩm định trình UBND tỉnh, kéo dài thời gian nên cắt giảm. Khâu thăm dò khoáng sản quy định thời gian tối đa 90 ngày, nên rút xuống 60 ngày. Tương tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản tối đa trong 6 tháng, có thể giảm còn 4 tháng; quy trình thủ tục cấp giấy phép khai thác tối đa 3 tháng, rút xuống còn 2 tháng… Qua đó, doanh nghiệp sẽ giảm được nhiều thời gian đối với thủ tục hành chính khai thác vật liệu xây dựng thông thường.

Được biết, thời gian qua UBND Bình Thuận cũng đã có văn bản đề nghị bộ, ngành Trung ương chỉnh sửa thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản đối với loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng đơn giản thủ tục, không như thủ tục cấp phép các loại khoáng sản quý, hiếm hoặc có giá trị cao như vàng, titan, cát trắng thạch anh... Có cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực vật liệu xây dựng thông thường, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Bình Thuận mới có cơ hội tiếp cận đấu giá, khai thác mỏ cát, sét… quy mô nhỏ, cung cấp cho đông đảo khách hàng đang có nhu cầu xây dựng mỗi năm; đóng góp ngân sách địa phương khá lớn trong khai thác tài nguyên này. Có nguồn cung hợp pháp dồi dào, nạn cát tặc sẽ dần được đẩy lùi, chính quyền các địa phương thuận lợi hơn trong việc quản lý, chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng khai thác cát lậu hoành hành lâu nay.

    
      Đến thời điểm hiện nay, các huyện: Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc   Bình, Tuy Phong, TP. Phan Thiết không có giấy phép khai thác cát xây   dựng nào được cấp. việc   giải quyết hạ thấp mặt bằng, cải tạo đất có tận dụng khoáng sản cũng gặp   khó khăn do pháp luật chưa quy định cụ thể. Cho nên, trong khoảng thời   gian từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh chỉ cấp mới 5 giấy phép khai thác   cát xây dựng, cát san lấp nền, gia hạn 4 giấy phép khai thác cát xây   dựng trên sông, cho phép tận dụng khoáng sản làm vật liệu san lấp, đất   sét 15 tổ chức, cá nhân. Do chưa đáp ứng đủ nhu cầu, từ đó phát sinh   tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, tận dụng khoáng sản khi chưa   được cấp thẩm quyền cho phép ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, nhất là ở   huyện Hàm Thuận Bắc.

Thái Khoa


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất cập trong quản lý, khai thác vật liệu xây dựng