Phan Thiết: Kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

27/07/2016, 09:14

BT- Thực phẩm có chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân là vấn đề “nóng” của dư luận hiện nay. Ngay từ đầu năm 2015, UBND thành phố Phan Thiết đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

                
Lò hấp cá cơm của các hộ dân phường Mũi Né    không bảo đảm vệ sinh.

Các ngành chức năng đã triển khai việc kiểm tra, đánh giá, phân loại, từ đó cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, từ đầu năm 2015 đến nay cơ quan chức năng của thành phố đã kiểm tra 538 cơ sở. Qua kiểm tra cho thấy phần lớn các cơ sở chấp hành đầy đủ quy định của nhà nước trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm; đã xử phạt 10 cơ sở với hơn 28.250.000 đồng; nhắc nhở 286 cơ sở (chủ yếu vi phạm các hành vi khám sức khỏe không đúng quy định và chưa tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm). Bên cạnh đó, UBND thành phố Phan Thiết đã chỉ đạo thanh tra chuyên ngành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Thanh tra chuyên ngành của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Bình Thuận phối hợp với địa phương tổ chức thanh tra định kỳ và thanh tra đột xuất 50 cơ sở, đã xử phạt vi phạm hành chính 12 cơ sở với số tiền 167.750.000 đồng về hành vi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Qua các đợt kiểm tra đã lấy 120 mẫu nguyên liệu thủy sản khô để kiểm tra. Qua đó, phát hiện 1 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh và 6 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý. Ngoài ra, còn lấy 37 mẫu nước mắm để kiểm tra. Qua đó phát hiện có 4 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã khuyến cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh có biện pháp khắc phục nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, đến nay phòngkinh tế thành phố Phan Thiết đã đánh giá, phân loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 57 cơ sở. Đặc biệt là UBND thành phố Phan Thiết chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra các cơ sở sản xuất nước mắm để gây dựng uy tín, thương hiệu, chất lượng nước mắm Phan Thiết.

Phòng Kinh tế phối hợp với Trung tâm Khuyến công xây dựng và triển khai các đề án hỗ trợ cho 9 cơ sở sản xuất nước mắm cải tiến mẫu mã; đầu tư thiết bị, dây chuyền đóng chai, thiết bị thanh trùng và khử mùi nước mắm… với tổng kinh phí hỗ trợ 461 triệu đồng. Mặt khác, phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, tạo điều kiện thuận lợi sản xuất nước mắm trong Cụm công nghiệp hải sản Phú Hài hoạt động sản xuất; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Phan Thiết cho 87 cơ sở sản xuất nước mắm trên địa bàn. Do vậy một số mang nhãn hiệu nước mắm như: Biển Rạng, Dì Mười Tiếp, Ngọc Định, nước mắm Phan Thiết – Fisaco… đã được phân phối trong các hệ thống siêu thị và hệ thống bán lẻ toàn quốc. Điều đó thể hiện uy tín, chất lượng và an toàn thực phẩm; nước mắm Phan Thiết đang được người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng.

Lê Thanh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Thiết: Kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm