Mỹ và Châu Âu cần lấp dần các lỗ hổng an ninh trong nỗi lo khủng bố

26/07/2016, 16:33

Điểm chung dễ nhận thấy trong các vụ tấn công xảy ra ở Mỹ và một số nước châu Âu gần đây là hầu hết thủ phạm đều hành động kiểu "sói đơn độc".

Thời gian gần đây, tại Mỹ, Pháp, Đức liên tục rúng động bởi những vụ tấn công đẫm máu và giết người hàng loạt, cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng trong nỗ lực hợp tác trao đổi thông tin giữa các cơ quan an ninh và tình báo châu Âu, cũng như nước Mỹ. 

Rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra rằng liệu những vụ tấn công như thế này có được ngăn chặn nếu việc chia sẻ thông tin về những đối tượng tình nghi được triển khai tốt hơn? 

                
      
         Hiện trường vụ tấn công kinh hoàng ở Nice, Pháp. (Ảnh: The    Independent).

Điểm chung dễ nhận thấy trong các vụ tấn công xảy ra ở Mỹ và một số nước châu Âu gần đây, như vụ xả súng ở Orlando, bang Florida, Mỹ; vụ tấn công bằng xe tải ở thành phố Nice, Pháp; và mới đây nhất là vụ xả súng ở trung tâm mua sắm thành phố Munich, Đức... là hầu hết thủ phạm tấn công đều hành động kiểu “sói đơn độc”. Đáng chú ý hơn, những kẻ tấn công này đều là những người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần. 

Xét về phương diện pháp lý và quyền riêng tư của công dân, các điều tra viên chống khủng bố thường chỉ tập trung theo dõi những đối tượng tình nghi liên quan tới các mạng lưới khủng bố hoặc các tổ chức cực đoan, mà dễ sao nhãng, để “lọt lưới” những đối tượng nguy hiểm khác, nhất là những cá nhân hành động một cách bột phát, khó lường.

Những kẻ hành động một mình, không có đồng phạm khiến các cơ quan thực thi pháp luật khó có manh mối để ngăn chặn kịp thời. Hơn nữa, việc theo dõi, thu thập thông tin tình báo và ngăn chặn những hung thủ có dấu hiệu tâm thần, hay những đối tượng dễ bị kích động và bị “cực đoan hóa” chỉ trong một thời gian ngắn lại càng khó khăn hơn.

Tình báo Đức mới đây cảnh báo, các vụ tiến công của phiến quân Hồi giáo đang gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia. Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Đức (BfV) Hans-Georg Maassen hồi đầu tháng này thậm chí phải thừa nhận, các lực lượng an ninh không thể bảo đảm ngăn chặn tuyệt đối các vụ tấn công. 

Theo quan chức này, những chiến thắng áp đảo gần đây của liên quân do Mỹ đứng đầu trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq không làm chúng nhụt chí mà tổ chức cực đoan này còn đang hướng tới các mục tiêu trên đất châu Âu.

Bộ trưởng Nội vụ bang Bayern ở Đông Nam nước Đức, ông Joachim Herrmann ngày 25/7 cảnh báo, nước này có thể phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với những vụ tấn công quy mô lớn hơn sau vụ đánh bom liều chết ở bên ngoài một lễ hội âm nhạc tại thành phố Ansbach, bang Bayern đêm 24/7 khiến hơn 10 người khác bị thương: “Chúng ta cần phải cảnh giác. Mọi người đều thấy rằng chúng ta đang trong tình huống mà những vụ tấn công như ở Brussels, Bỉ có khả năng xảy ra ở Đức, ở thủ đô Berlin hay tại đây vùng Bayern. Chúng ta phải có những biện pháp ứng phó thích hợp cho những tình huống như thế này”.

Trong khi đó, trước khi xảy ra vụ tàn sát kinh hoàng ở Nice, Pháp vài ngày, Ủy ban điều tra vụ tấn công khủng bố tại Pháp năm 2015 đã công bố một bản báo cáo điều tra dài 300 trang, kết luận có lỗ hổng trong an ninh tình báo của Pháp dẫn tới thất bại trong việc ngăn chặn vụ tấn công khủng bố, đồng thời kêu gọi cải tổ hệ thống tình báo nước này. 

Chưa bao giờ châu Âu lại đứng trước nỗi lo khủng bố như hiện nay. Những vụ tấn công đẫm máu có thể tái diễn ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Bên cạnh kẽ hở tình báo, vấn đề kiểm soát biên giới nội khối châu Âu đang rất được quan tâm. Ngoài ra, làn sóng nhập cư ồ ạt vào châu Âu cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới gia tăng những mối hiểm họa khủng bố rình rập tại châu lục này, trong bối cảnh dòng người nhập cư từ Trung Đông và châu Phi vẫn tiếp tục tràn vào châu Âu mà không cơ quan chức năng nào có thể kiểm soát được đâu là người nhập cư chạy trốn chiến tranh và đói nghèo thực sự, đâu là những kẻ khủng bố.

Trước tình thế này, việc thắt chặt các biện pháp an ninh để giảm thiểu tối đa thiệt hại khi các vụ tấn công xảy ra là điều rất cần thiết. Bên cạnh đó, một trong những ưu tiên hàng đầu của các nước châu Âu hiện nay chính là lấp dần những lỗ hổng an ninh thông qua việc mở rộng các đối tượng theo dõi, tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước ngày càng chặt chẽ hơn nữa, để không còn những khoảng trống để những kẻ khủng bố lợi dụng, thò bàn tay chết chóc đến bất cứ đâu.

Phương Anh/VOV


Related articles

(0) Comments
Focus
Mỹ Thạnh… đợi mưa về!
Tháng 4, Sông Bà Bích cạn. Con sông này giờ chỉ là vũng nước nhỏ đọng lại để có thể dùng dấu tích một dòng sông,.. Dưới cái nắng của vùng đất cực Nam Trung bộ mùa này, quanh khu vực Mỹ Thạnh không khí luôn gay gắt, khô khốc. Những vườn thanh long đang thiếu nước cong rũ cành. Con đường nhựa độc nhất trước mặt đang bốc hơi nóng phả rát mặt người.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ và Châu Âu cần lấp dần các lỗ hổng an ninh trong nỗi lo khủng bố