Nắng chiều

15/07/2016, 09:03

BT- Nắng chiều đẹp có đẹp

Tiếc tài gần chạng vạng

Mặc dù gần chạng vạng

Nắng được thì cứ nắng.

Đó là bài thơ  “Nắng chiều” của cụ Phan Khôi trích trong tập “Nắng được thì cứ nắng” của Phan An Sa, nói về cuộc đời và sự nghiệp của cụ.

Vâng, “Nắng được thì cứ nắng”. Cụ Phan Khôi là một nhà báo, nhà thơ, nhà văn, một học giả, những năm cuối đời cụ như con tằm miệt mài nhả tơ không bất luận bệnh tật tuổi già sức yếu, nghĩa là ông tiếc tài gần chạng vạng, nhưng nắng được thì cứ nắng!

Nắng chiều, một thứ nắng mà biết bao văn nhân thi sĩ đã ca ngợi hết lời trong thơ văn, nhạc phẩm, hội họa… Và trong CD “Hẹn em nhé, năm 2000 sẽ…”  Phạm Duy cũng đã bày tỏ rằng: “Nắng chiều là ánh nắng đẹp đẽ nhất trong các loại nắng”.  Nắng chiều nhuốm một chút vàng vọt, trải xuống cánh đồng, dòng sông, làng mạc, và nhất là ở biển, nắng chiều như có lân tinh nhảy múa trên mặt nước biển mênh mông.

Ở ngoại ô, hay những làng quê còn sót lại của thời kỳ đô thị hóa, người ta mới cảm nhận được nắng chiều và đi kèm theo là những cơn gió chiều thổi mát rượi mang hơi nước từ một dòng sông, một con đê, mang mùi thơm của lúa, của rơm rạ từ những cánh đồng sau mùa gặt.

“Nắng chiều đẹp có đẹp/ Tiếc tài gần chạng vạng/… Cụ Phan Khôi, nhân chứng của một thời “Trăm hoa đua nở” đã tiếc tài mình gần chạng vạng, ông ví mình như tia nắng chiều yếu ớt sắp khuất sau đường chân trời, nhưng, nắng được thì cứ nắng!

Có rất nhiều bài thơ, bài hát ca ngợi nắng chiều. Dưới con mắt nghệ sĩ, nắng chiều nhìn ở góc độ khác nhau. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương thì cho rằng nắng chiều là thứ “nắng quái” vương trên phù sa, còn thi sĩ Đinh Hùng thì lãng mạn với nắng chiều, một thứ nắng màu tím: “Chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài/ Sầu trên phím đàn/ Tình vương không gian/ Mây bay quan san, có hay? (Chiều tím, Đan Thọ phổ nhạc từ năm 1956), và Thu Hồ, một nhạc sĩ sáng tác không nhiều, nhưng ông cũng bị mê hoặc nắng chiều, một thứ nắng như có màu tím trong nhạc phẩm “Tím cả rừng chiều”. Và sau này, cũng có những tư tưởng lớn gặp nhau: “Anh đâu phải nắng chiều mà nhuộm em đến tím?”.

Nắng sáng, trưa, chiều, nhưng chỉ có nắng chiều được  văn nhân thi sĩ nhắc đến nhiều nhất. Nguyễn Văn Khánh với Chiều vàng, Phạm Duy có Ngậm ngùi, Dương Thiệu Tước có Chiều và còn rất nhiều nhạc sĩ khác nữa đã viết lên  những tuyệt phẩm nhạc về nắng chiều. Ở nhà quê vào những thập niên trước đây, nhà nào dù giàu hay nghèo, trước nhà đều có cái sân, lót gạch, xi măng, hay đất nện… để đạp lúa, phơi lúa, và còn biết bao nhiêu thứ khác “chất đống ngoài sân”, nơi đây cũng là một sân chơi trẻ con tụ năm tụ ba nô đùa, và cũng là nơi  chiều xuống dọn cơm ra sân trên cái nia, tranh thủ trước khi mặt trời lặn.

Văn hóa đồng quê có từ thời ông cha chúng ta biết cày cấy trên ruộng đồng, nhường cơm xẻ áo, tối lửa tắt đèn có nhau… và từ thôn quê con người tiến dần về thành thị, và cũng từ đó, chúng ta bỏ mất nhiều thứ mà chỉ có ở quê mới có.

Nắng chiều được vẽ lại bằng thơ ca, nhất là về âm nhạc, những giai điệu ca từ chuyên chở tình cảm nồng nàn, những yêu thương dào dạt, những mối tình đẹp và lãng mạn như chuyện cổ tích so với thời yêu cuồng sống vội như bây giờ.

    … Nay anh về, qua sân nắng

    Chạnh nhớ câu thề tim tái tê

    Chẳng biết bây giờ người em gái

    Duyên ghé về đâu?

   Trong nhạc phẩm Nắng chiều, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã dùng chữ “sân nắng” một biểu tượng của làng quê, cái sân nắng gắng liền với mỗi gia đình nông thôn, biết bao tình cảm yêu thương tràn ngập trên sân nắng này. Nắng chiều, khi đã gần tắt là thứ nắng lưa thưa, lướt thướt cùng với mây, cho đến khi nắng vương thềm thì hoàng hôn sắp tắt…

Trần Hữu Ngư


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nắng chiều