Bi hài chuyện đặt vòng, đình sản

04/08/2016, 10:11

BT- Để vận động được một ca đình sản ở đồng bằng vốn đã khó, với các xã vùng cao lại càng khó gấp bội. Cán bộ dân số phải 5 lần 7 lượt đến nhà, thuyết phục nhỏ to.

                
Vừa mới lớn đã phải tay bế tay bồng, một    thực trạng buồn ở xã vùng cao. Ảnh: Đ.Hòa

Đình sản… sợ bị thần kinh

Đó là tâm lý chung của hầu hết phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở các xã vùng cao. Chính điều này khiến công tác dân số nơi đây luôn bị áp lực về tỷ lệ sinh con thứ 3 vì khó vận động thực hiện các biện pháp tránh thai. Chị K’ Thị Sum – cán bộ chuyên trách dân số xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) cho biết: Khó khăn lắm mới vận động được một ca đi đình sản. Vì một khi họ chịu đi là mình cũng phải “cam kết” an toàn, không ảnh hưởng đến vấn đề về tâm lý, thần kinh “hậu” đình sản. Vốn là xã miền núi, điều kiện cuộc sống còn khó khăn, nhiều gia đình con đông, không được chăm lo đầy đủ nên cuộc sống của người dân khá vất vả. Đặc biệt, có nhiều gia đình sinh con dày, đứa lớn đi đứng chưa vững đã có em. “Đa phần chị em trong độ tuổi sinh đẻ của xã đều chọn phương pháp tránh thai uống thuốc hoặc đặt vòng, ít khi nghĩ tới chuyện đình sản vì sợ rủi ro cao”, chị Sum cho biết. Tuy nhiên, uống thuốc ngừa thai và đặt vòng không phải ai cũng chịu sử dụng, nhiều trường hợp “phản ứng” thuốc nên bị bệnh này bệnh kia, khiến nhiều chị em “vỡ kế hoạch”.

Mặc dù 6 tháng đầu năm tỷ lệ đình sản của xã vượt chỉ tiêu (3/1 ca), nhưng theo chị Sum để thuyết phục được một ca đi đình sản không hề dễ. Chị Sum kể: Có một trường hợp ở thôn 2, đã sinh 4 con trai nhưng vẫn đang có ý định sinh tiếp để kiếm đứa con gái. Mặc dù được cán bộ dân số thuyết phục, gần 5 năm trời vẫn không chịu đình sản. Mới đây, cả vợ lẫn chồng đồng ý đi đình sản, xã hẹn ngày chở xuống bệnh viện huyện làm, ai ngờ khi tới nhà cả vợ lẫn chồng bỏ vào rẫy trốn biệt tăm.

Toàn xã Đông Giang có 650 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm 14,58%. Trong đó có 10 trường hợp sinh 4 con, 20 trường hợp sinh 3 con, còn lại chủ yếu sinh 2 con. Tuy nhiên, với các cặp vợ chồng có con một bề vẫn đang ngấp nghé để sinh thêm con cho có “nếp” có “tẻ”.

 Cần đả thông tư tưởng sinh ít con là tốt

Mặc dù phần lớn người dân các xã vùng cao đã ý thức hơn trong việc sinh con, song cũng không ít người vẫn còn quan niệm “đẻ khi nào cho hết trứng mới nghỉ”. Bởi vậy nên có trường hợp ở xã Đông Giang mới ở tuổi 37 đã có 7 đứa con, vậy mà chưa chịu dừng, còn muốn sinh tiếp. Khó nhất là với những nhà con đông, khi đề cập đến chuyện đình sản đều đưa đủ mọi lý do từ chối. Có trường hợp vợ chịu đi, chồng kiên quyết không cho. Mỗi lần đi đình sản đích thân cán bộ chuyên trách dân số phải chở xuống bệnh viện, chăm sóc cho đến khi sức khỏe ổn định mới về. Rồi còn phải tới, lui thăm hỏi thường xuyên, có khi phải ưu tiên cho vay vốn làm ăn, hỗ trợ việc làm.

Chị K Thị Rẻo - chuyên trách dân số xã Đông Tiến cho biết, tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã còn khá cao, chiếm 20%, nhiều người sợ đi đình sản nên chủ yếu dùng thuốc tránh thai. Những năm gần đây, tình trạng kết hôn cận huyết thống giảm nhiều, nhưng việc sinh con tại nhà nhờ mụ vườn đỡ đẻ vẫn còn phổ biến. Không chịu đến trạm y tế khám thai định kỳ, nên nhiều chị em ít được tiếp cận các kiến thức về sinh sản. Các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản mặc dù về đến tận thôn, song cũng không ít chị em bận lên nương, vào rừng mưu sinh, nhiều lúc không có thời gian đến khám. Đẩy mạnh các biện pháp tránh thai với những cặp vợ chồng trẻ, tăng thời gian tuyên truyền về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình nhằm giảm tỷ lệ sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm mà các chuyên trách dân số các xã vùng cao sẽ thực hiện. Tuy nhiên, quan trọng nhất là làm sao để người dân hiểu được việc sinh con đông, sinh con dày sẽ ít có điều kiện chăm sóc sức khỏe và lo chu toàn việc học là điều cần thiết.

Khánh Ngọc


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bi hài chuyện đặt vòng, đình sản