Quốc hội cần có Tuyên bố về Biển Đông

29/07/2016, 16:49

BTO- Sáng nay 29/7, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV diễn ra phiên họp cuối để thảo luận Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016.

Về giải pháp 6 tháng cuối năm, bà Phúc đề nghị, để giảm thiểu tối đa những tác động do biến đổi khí hậu, Chính phủ cần nghiên cứu và triển khai các giải pháp cơ bản và đồng bộ hơn. Bên cạnh những giải pháp lâu dài cần có các giải pháp cấp bách, trọng tâm, có chính sách ưu tiên đầu tư các dự án khắc phục về hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt là các công trình quan trọng, công trình đang thi công dở dang. Trên thực tế, nhiều công trình được đầu tư từ ngân sách Trung ương đang chậm tiến độ do khó khăn về vốn nên không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí. Cụ thể, tại Bình Thuận nhiều công trình thủy lợi đang thi công dở dang như: Hồ Sông Móng, kênh chuyển nước Biển Lạc Hàm Tân... cần được bố trí vốn tiếp tục; một số công trình thủy lợi lớn, quan trọng cần được đầu tư sớm như: Hồ chứa nước Sông Lũy, Hồ chứa nước Kapet. Đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.

Về đánh giá công tác Quốc phòng, an ninh, công tác Đối ngoại có liên quan đến vấn đề Biển Đông và bảo vệ chủ quyền quốc gia, theo bà Phúc, hiện nay, cử tri vẫn quan tâm lo lắng và bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tàu thuyền của Trung Quốc có thái độ hành hung đối với ngư dân làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết giữa các nước Asean và Trung Quốc. Giải pháp thực hiện nội dung này 6 tháng cuối năm như đã thể hiện trong  báo cáo là chưa thật quyết liệt; Quốc hội và Chính phủ cần có những giải pháp tích cực, đồng bộ và hiệu quả hơn. Theo đó, Quốc hội cần có tuyên bố rõ ràng về Biển Đông, nhất là sau khi có phán quyết của Trọng tài quốc tế về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông; Đảng, Nhà nước cần sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 09 – NQ/TW của BCH TW Đảng khóa X về chiến lược biển Việt Nam, để từ đó có đánh giá và tiếp tục đưa ra các giải pháp phù hợp phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.
Chính Phủ cần đánh giá cụ thể việc triển khai chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư khắc phục tình trạng xâm thực biển, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nâng cấp hệ thống giao thông và các công trình phòng thủ trên các đảo; tiếp tục có giải pháp giải quyết khó khăn và hỗ trợ sản xuất và đời sống của ngư dân. Cụ thể, tại tỉnh Bình Thuận nhiều công trình bức thiết phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân đang thi công dở dang rất cần sự quan tâm tiếp tục đầu tư của Trung ương, tỉnh đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức như: Công trình kè chống xói lở bờ biển Đức Long – Tiến Thành, kè Phước Lộc, khu neo đậu tránh trú bão Mũi Né (Phan Thiết). Đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ đầu tư công trình này trong giai đoạn 2016-2020.

Khắc Điều


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc hội cần có Tuyên bố về Biển Đông