Một cách để hiểu biết lịch sử địa phương

02/08/2016, 09:48

BT- Kiến thức lịch sử được giảng dạy trong các nhà trường phổ thông lâu nay chủ yếu từ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành, bên cạnh đó còn có bộ sách Lịch sử địa phương do Sở Giáo dục - Đào tạo ban hành. Nhưng lượng kiến thức về lịch sử địa phương được giảng dạy cho các em trong một năm học còn ít ỏi.

                
Một số bài dự thi đạt giải cao.

Lâu nay, vấn đề giảng dạy lịch sử trong các trường học đang nổi lên một số vấn đề mà dư luận xã hội rất quan tâm đó là: học sinh chán học môn lịch sử, chất lượng dạy và học môn lịch sử trong nhà trường nhìn qua điểm số thì không tệ, nhưng trải qua các kỳ thi nghiêm túc thì kết quả thi môn lịch sử lại có quá nhiều học sinh bị điểm kém. Có thể nói, với tâm lý coi trọng các môn chính, xem nhẹ môn phụ cùng nhiều bất cập trong giảng dạy bộ môn (do thiếu phương tiện, giáo viên thiếu nhiệt tình và kinh nghiệm, phương pháp truyền đạt khô khan…), đồng thời không thể không kể đến bệnh thành tích. Tất cả các nguyên nhân nói trên đã dẫn đến chất lượng dạy và học môn lịch sử trong thời gian qua ngày càng đi xuống.

Trước thực trạng nói trên, ngành giáo dục nói riêng, toàn xã hội nói chung đã có nhiều cố gắng để cải thiện chất lượng dạy học môn lịch sử. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy học, trang bị và sử dụng phương tiện trực quan. Đa dạng hóa các hoạt động ngoại khóa liên quan đến môn lịch sử nhằm tạo hứng thú, làm mới cách truyền đạt sao cho học sinh dễ hiểu và nhớ lâu các kiến thức. Từng bước giúp các em biết phân tích và hiểu thấu đáo các sự kiện, số liệu… Điều quan trọng là dạy lịch sử nói chung và lịch sử địa phương nói riêng như thế nào cho các em hiểu và thêm yêu đất nước, bồi đắp tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc.

Vừa qua, Ban Tuyên giáo huyện Bắc Bình lần đầu tiên tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử truyền thống Đại đội 440 Hòa Đa và huyện Bắc Bình chặng đường xây dựng và phát triển” trong toàn huyện cho cán bộ và nhân dân cùng tham gia. Kết quả, cuộc thi đã kết thúc thành công với gần 2.800 bài tham gia, trong đó có trên 50% bài dự thi được viết tay, có nhiều bài được viết rất đẹp, trình bày tranh ảnh công phu, tỉ mỉ, chất lượng bài dự thi rất tốt. Thể hiện sự nghiêm túc trong nghiên cứu lịch sử địa phương, có người đã tìm gặp các nhân chứng lịch sử còn sống để tìm hiểu và có thêm những thông tin quý giá, sinh động phục vụ cho bài thi của mình.

Xét ở góc độ phối hợp với nhà trường để tuyên truyền giáo dục về lịch sử địa phương thì cuộc thi này hết sức thành công và tạo được sự lan tỏa trong cán bộ nhân dân, nhất là lớp trẻ. Qua cuộc thi này, người dân nói riêng, thế hệ trẻ nói riêng đã hiểu thêm về lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của quân dân địa phương, cũng như biết thêm nhiều điều về quá trình xây dựng phát triển của quê hương mình. Đồng thời, hun đúc thêm tình yêu quê hương, tạo động lực cho lớp trẻ phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đó mới chính là ý nghĩa thiết thực của việc tuyên truyền giáo dục về lịch sử địa phương, một cách làm mang lại hiệu quả cao, góp phần giúp cho công tác giảng dạy lịch sử trong nhà trường thêm thuận lợi.

Trong thời gian đến, ngành giáo dục – đào tạo tỉnh nên quan tâm hơn nữa đến việc phối hợp với các ban ngành trong việc tuyên truyền phổ biến về lịch sử địa phương trong nhà trường bằng những hình thức mới mẻ, có sức hấp dẫn để học sinh tham gia. Trong đó, cách làm làm Ban Tuyên giáo huyện Bắc Bình về cuộc thi lịch sử cần được nghiên cứu vận dụng.

THANH TRUNG


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một cách để hiểu biết lịch sử địa phương