Vùng đất tiềm năng, nhưng đầy gian nan

02/08/2016, 14:25

BTO- Xã Đa Kai, huyện Đức Linh có một khu dân cư (người dân nơi đây tạm gọi là Khu dân cư 143) giáp ranh với huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đất đai trù phú. Đã có hơn 100 hộ dân đến đây làm ăn sinh sống, bắt đầu hình thành vùng chuyên canh, sản xuất chủ yếu là các loại cây ăn quả tương tự như vùng Rô Mô (thôn 10) được nhiều người biết đến cách đây không lâu.

Để đến được vùng này, phải đi từ xã Đa Kai đến thị trấn Phương Lâm, huyện Tân Phú, theo QL.20 ngược lên hướng Đà Lạt đến thị trấn Mađagui rẽ vào khoảng 6 km mới đến. Đi được vài km đường tốt của tỉnh bạn, bắt đầu vào Khu dân cư 143 thì hầu như không có đường. Người dân phải vừa đi, vừa bồi đắp thành đường mòn đủ cho một chiếc xe máy chạy nên không đảm bảo an toàn, cộng thêm địa hình đèo dốc, một bên vách núi, một bên vực sâu, sỏi đá lởm chởm rất nguy hiểm. Trời nắng còn đi được, mưa xuống trơn trợt, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra. Mặc dù không xa thị trấn Mađagui bao nhiêu, nhưng đời sống của người dân ở đây rất vất vả. Nhiều năm liền họ sống trong cảnh không điện, đường, trường, trạm… Khu dân cư này có khoảng 110 hộ/310 khẩu chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ, chi phí vận chuyển cao ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của bà con.


 Không có điện nên đời sống văn hóa tinh thần của bà con rất thiệt thòi, việc tiếp cận với các phương tiện nghe nhìn còn nhiều hạn chế. Điện sinh hoạt chủ yếu là từ bình ắc quy để thắp sáng. Con em đến tuổi đi học cha mẹ phải vất vả đưa đi, đưa về trên con đường “đau khổ” ra thị trấn Mađagui hoặc huyện Tân Phú học nhờ. Vấn đề chăm sóc sức khỏe cũng vậy, khi có người bệnh việc đưa đến Trạm Y tế Mađagui cũng hết sức gian nan, càng gian nan hơn khi vào mùa mưa bão. Đặc biệt, vùng này chưa được phủ sóng điện thoại nên mọi liên lạc trở nên khó khăn hơn cho chính quyền và nhân dân.

 Mặc dù cuộc sống gặp khó khăn do chưa được đầu tư công trình phúc lợi xã hội nào, nhưng đây là vùng đất lành nên nhiều người đã đến đây định cư, làm ăn sinh sống. Khí hậu mát mẻ gần giống với cao nguyên Lâm Đồng, đất đai giàu chất dinh dưỡng rất phù hợp với cây ăn quả. Dọc hai bên con đường “đau khổ” là những vườn cây ăn quả có giá trị đang vào mùa như: chôm chôm, mít tố nữ, sầu riêng, bưởi… hương sắc ngào ngạt phần nào làm vơi đi nỗi vất vả cho người lần đầu đến đây. Ngoài ra, còn có cà phê, điều và các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao được bà con tiếp tục đầu tư.

Được biết, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập thôn 11 từ Khu dân cư 143 của xã Đa Kai, huyện Đức Linh vào tháng 7/2016. Người dân cũng hết sức mong muốn sau khi được thành lập thôn, các cấp chính quyền quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp địa phương thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay. Tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhằm ổn định và phát triển kinh tế của bà con.

NL


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vùng đất tiềm năng, nhưng đầy gian nan