Nuôi tôm thẻ chân trắng: Qua thời hoàng kim

14/07/2016, 08:33

BT- Hơn 5 năm trở lại đây, chưa bao giờ người nuôi tôm trong tỉnh có được niềm vui trọn vẹn. Bởi nếu tôm không mất mùa do dịch bệnh thì cũng rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá”. Điều này luôn khiến những người trong cuộc đặt câu hỏi: Bao giờ nghề nuôi tôm mới trở lại “thời hoàng kim”?

                              
Đầu tư ao nuôi ban đầu mất rất nhiều chi    phí.
   
Tôm thẻ chân trắng đã qua thời hoàng kim?

Dù lỗ vẫn phải theo?

Thời huy hoàng của con tôm thẻ đã khiến nhiều người nuôi từng đổi đời chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích nuôi tôm đang trên đà thu hẹp dần, nhường chỗ cho các ngành nghề khác như: du lịch, phát triển dân cư… Và người ta ví nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay như… mua vé số. Nếu được mùa người nuôi sẽ như trúng số độc đắc, nếu thất bại như kẻ trắng tay. Nhưng bất chấp sự may rủi ấy, nhiều người vẫn cố bám trụ với nghề. Anh  Thanh Huy có vài ha nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Chí Công cho biết: “Chi phí đầu tư ban đầu cho 1 ha hồ nuôi tốn vài trăm triệu đồng từ tiền bạt lót, máy sục khí, điện, đường đến con giống, thức ăn… Nhưng nếu vụ này thất bại thì vụ sau tôi vẫn tiếp tục thả nuôi để… giữ hồ. Bởi nếu bỏ, sau này muốn nuôi trở lại thì công cải tạo hồ và chi phí không hề nhỏ”. Và nhiều người lao vào nuôi tôm cũng mong muốn mình nhanh chóng thoát nghèo. Ông Đặng Văn Cường (xã Vĩnh Hảo) cho biết: “Nếu không nuôi tôm thì dân vùng nắng gió Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong) biết làm nghề gì để xóa nghèo bền vững? Họ quan niệm trồng lúa, hoa màu hay chăn nuôi bò, heo… cũng chỉ đủ trang trải qua ngày. Trong khi đó, chỉ cần trúng một vụ tôm/3 tháng, nông dân có thể lãi vài trăm triệu đồng. Vì lẽ đó, họ mượn nợ nuôi tôm, thế chấp tài sản nuôi tôm, cả gia đình góp vốn nuôi tôm… cũng là điều dễ hiểu”.

Qua thời hoàng kim…

Trong nuôi trồng thủy sản nước lợ, tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực tại Bình Thuận. Đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Do đó, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã nghiên cứu, liên tục áp dụng thành công nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao như: quy trình bán biofloc ở 3 huyện Bắc Bình, Tuy Phong, La Gi; mô hình hỗ trợ hệ thống thổi khí ao tôm, nuôi tôm nhà kín qua 2 giai đoạn (ương trong nhà kín với mật độ dày và chuyển sang ao nuôi tôm công nghiệp với mật độ thưa); mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP… Và người nuôi tôm tại Bình Thuận đang từng bước tiếp cận nhiều công nghệ tiên tiến, nhất là công tác quản lý môi trường, chăm sóc sức khỏe tôm nuôi theo hướng sinh học, hạn chế bệnh trên tôm, giảm thiểu việc sử dụng thuốc, kháng sinh gây ô nhiễm môi trường và tôm nuôi. Song, thực tế người nuôi tôm cũng không ít lần thua lỗ vì tư thương ép giá lẫn dịch bệnh bùng phát. Con tôm thẻ chân trắng đã trải qua thời kỳ hoàng kim “nuôi đâu trúng đó”, đang khiến người nuôi lẫn cơ quan chức năng lo lắng khi chưa tìm ra nguyên nhân tôm thường chết ồ ạt thời gian qua. Từ con giống đến môi trường nước, ao nuôi, rồi kỹ thuật chăm sóc. Tất cả đều đã được ngành chức năng phân tích, mổ xẻ. Nhiều biện pháp khắc phục môi trường trong và ngoài khu vực nuôi tôm đã được nghiên cứu, triển khai áp dụng nhưng kết quả tôm vẫn chết nhiều vài năm trở lại đây. Do đó, khi được hỏi nguyên nhân gây ra dịch bệnh ở tôm, hầu như các chủ hồ đều lắc đầu ngao ngán. Bởi cùng một nguồn nước, con giống và một chủ nuôi nhưng vì sao lại có chuyện hồ được, hồ mất?

Tuy diện tích nuôi tôm tại Bình Thuận không thể so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhưng để có sự đột phá, bền vững cho ngành nuôi tôm có lẽ phải bắt đầu từ chính ý thức của người nuôi. Bởi hiện nay, tình trạng xả thải trực tiếp từ ao nuôi ra biển không còn là chuyện lạ, vì vậy việc ô nhiễm nguồn nước, kéo theo dịch bệnh là không tránh khỏi. Chi cục Thủy sản và chính quyền địa phương đã từng đề ra nhiều biện pháp, tuyên truyền rộng rãi đến các hộ nuôi, khuyến khích áp dụng nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ưu tiên hệ thống xử lý nước thải. Và việc liên kết “4 nhà” cũng như kiểm định chất lượng con giống cũng là một thách thức lớn mà người nuôi tôm, doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn của tỉnh phải đối diện để tôm thẻ chân trắng phát triển ổn định, bền vững, sớm hồi phục, từng bước giúp dân làm giàu chính đáng.

Minh Vân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nuôi tôm thẻ chân trắng: Qua thời hoàng kim