Gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN: Hạn chế của lao động Bình Thuận

11/07/2016, 09:57

BT- Khi đất nước hội nhập đầy đủ và sâu rộng, thì những điểm yếu của nguồn nhân lực Bình Thuận như tay nghề chuyên môn, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, tính năng động xã hội và thể lực sẽ bộc lộ rõ. Nếu không có kế hoạch khắc phục sớm thì Bình Thuận sẽ khó đáp ứng yêu cầu của thị trường trong thời gian tới.

Thêm cơ hội nâng cao tay nghề

Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra mắt, bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người.

Theo đó, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn. Nhờ sự thỏa thuận này, người lao động Việt Nam sẽ có cơ hội học tập và làm việc trong các môi trường chuyên nghiệp của các nước trong AEC. Đồng thời cũng thúc đẩy nguồn nhân lực nâng cao trình độ tay nghề và rèn luyện tiếng Anh. Việc thực hiện tự do luân chuyển lao động lành nghề sẽ tạo ra cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam, tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước. Thời kỳ hội nhập sẽ yêu cầu tiêu chí tuyển dụng cao, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như: khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo hay trình độ tin học. Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, người lao động Việt Nam phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, áp dụng công nghệ mới không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp… Nếu không, người lao động Viêt Nam sẽ thua ngay trên “sân nhà”, lao động Bình Thuận ở vị trí tỉnh lẻ thì nguy cơ này càng cao.

 Thay đổi hoặc tụt hậu

Tại Bình Thuận, nguồn nhân lực có những lợi thế khi tham gia hội nhập kinh tế như: cần cù, chăm chỉ, lực lượng dồi dào, trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động đang được nâng lên… Tuy nhiên, thách thức của thị trường lao động ASEAN rất lớn, sự cần cù, chăm chỉ chưa đủ để đứng vững trên thị trường cạnh tranh này. Trong số 707.445 lao động của tỉnh trong năm 2015 thì có đến 318.350 lao động chưa qua đào tạo, 296.807 lao động được đào tạo qua các lớp ngắn hạn và sơ cấp. Do vậy, nhìn chung lao động Bình Thuận tay nghề còn chưa cao, thấp so với tiêu chuẩn nghề chung của cả nước. Tại “Hội thảo khoa học nhận diện cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế - Phân tích từ thị trường lao động” diễn ra ngày 6/7 tại khách sạn Bình Minh, Tiến sĩ Đinh Kiệm - Trưởng khoa Quản lý nguồn nhân lực trường Đại học Lao động - Xã hội tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Nhân lực Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn thói quen từ tập quán sản xuất nhỏ, thiếu năng động và sáng tạo, ý thức kỹ luật và tác phong công nghiệp kém, kiến thức và kỹ năng làm việc nhóm còn hạn chế… Trong khi đó, môi trường làm việc trong các doanh nghiệp FDI luôn duy trì và đòi hỏi cao về ý thức kỹ luật và tác phong công nghiệp. Khi hội nhập đầy đủ và sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh trên thị trường lao động, lợi thế cạnh tranh do tiền công thấp sẽ mất dần. Những điểm yếu của nguồn nhân lực Bình Thuận về tay nghề chuyên môn, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, tính năng động xã hội và thể lực sẽ bộc lộ rõ hơn. Nếu không có sự thay đổi ngay từ hôm nay thì nguồn nhân lực Bình Thuận sẽ khó đáp ứng yêu cầu của thị trường trong thời gian tới”.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều nhận định, trong đó khẳng định thời gian tới việc cạnh tranh giữa lao động trong nước và lao động nước ngoài sẽ hết sức gay gắt. Muốn bắt kịp xu thế chung trên thế giới, Bình Thuận cần có nhiều thay đổi mang tính toàn diện trong đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, thay đổi chương trình đào tạo tại các trường phải thiết thực, đáp ứng được yêu cầu công việc sau khi ra trường. Tăng cường sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp… Nắm được điểm mạnh để tận dụng cơ hội và biết được điểm yếu để phòng tránh các thách thức, chính là cơ sở để hội nhập thành công khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Nguyễn Luân


Related articles

(0) Comments
Focus
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN: Hạn chế của lao động Bình Thuận