Tập thói quen đọc sách từ khi bé chưa biết… chữ

22/07/2016, 09:25

BT- 1. Trong các chuyến đi xuyên Việt, chú ý dễ nhận thấy rằng, ngoài số người ngủ gật hay làm chuyện vặt hoặc tán gẫu, có hai bộ phận đọc khác nhau: Đọc sách và đọc báo. Chú ý nữa, hầu hết người cầm trong tay cuốn sách dày là khách Tây, ngược lại là dân Việt Nam.

                
Tập cho trẻ thói quen đọc sách. Ảnh minh    họa

Đi vào các khu di tích văn hóa - lịch sử, trong khi người Việt xách theo gói đồ ăn thì dân phương Tây luôn tay giở các trang sách. Họ đi du lịch vừa để giải trí vừa học. Họ luôn tự trang bị vốn hiểu biết tối thiểu về nơi họ sắp đến. Không hiểu, họ hỏi; hiểu lờ mờ, họ hỏi. Họ thắc mắc về sai biệt giữa thực tế và chi tiết được viết trong cuốn cẩm nang du lịch: Tại sao bức tượng kia không còn ở đó? Sao sách viết thế này mà cô thuyết minh nói như thế kia? Trong các chuyến tàu ngầm ở Nhật, không gian yên tĩnh lạ thường, bởi non một nửa hành khách cắm cúi vào trang sách!

Hành khách tàu ngầm Nhật hay khách Tây balô chắc chắn không là dân đặc tuyển. Họ thuộc đại chúng, nhưng qua cách hành xử với chữ nghĩa, họ khác ta rất nhiều – ít ra là trong thời điểm hiện tại. Nhìn gần hơn, cách nay 10 năm, tại Malaysia mỗi người dân đọc trung bình 2 cuốn sách/năm; rồi vào năm 2012, con số tăng từ 10 - 20 đầu sách/người/năm. Còn ở Việt Nam, hoàn toàn không nhúc nhích: 0,8 cuốn sách/ người/năm (theo Vietnamnet)!

 2. Thuở trung học trước 1975, trường tôi có tủ sách khoảng 500 cuốn. Có từ truyện phiêu lưu đường rừng cho đến tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, từ Gửi hương cho gió của Xuân Diệu cho đến Ngư ông và biển cả của Hemingway đều có mặt. Dù giá sách thời ấy vượt quá khả năng mua của học sinh, nhưng chính từ “có” tủ sách ấy tạo nên thói quen đọc ở bọn trẻ chúng tôi. Ai đã dựng tủ sách? Một thanh niên Mỹ; còn gợi ý cho học sinh đọc là các thầy được đào tạo ở trường Pháp.

Sau 1975,  làng xóm khan sách đã đành, ngay cả thị xã cũng chỉ có mỗi “Hiệu sách nhân dân”, mà sách thì luôn là... “sách mẫu” không bán. Không bán cho mãi đất nước mở cửa. 15 năm thiếu sách cũng đủ giết chết thói quen đọc sách của một thế hệ chưa lấy gì làm vững vàng. Đứt mạch truyền thống, rồi khi truyền thống được nối lại thì giá sách thời kinh tế thị trường ở trên trời, vượt tầm với của đại bộ phận người có học ở nông thôn. Thế hệ này không “dốt” mới lạ! 

3. Làm gì, nhất là với sách khoa học xã hội (và tự nhiên)?

Đã có nhiều “bí quyết” đưa ra, nhưng tất cả có thể gói gọn ở hai chữ: môi trường sách và sự thích thú, thói quen đọc sách.

Trước hết, ngay trong nhà phải có sách. Ít nhất gia đình cần trang bị một tủ sách, để trẻ vào ra có thể nhìn thấy sách mỗi ngày. Sách cứ để bừa bộn các nơi cũng không sao, cho trẻ nghịch với sách, thích thú với con chữ. Các dịp sinh nhật hay kỉ niệm nào bất kỳ, bên cạnh [thay vì] tặng quà gì đó cho trẻ, hãy tặng sách. Dẫn bé vào hiệu sách cho bé tự chọn, cạnh đó có những cuốn sách bất ngờ do bạn hay người thân bé tặng có kèm chữ ký. Để sau vài năm chính bé tự lập ra tủ sách cho riêng mình. Có sách, trẻ không thể không đọc.

Môi trường trường học cũng quan trọng không kém, bởi thời gian trẻ ở trường chiếm nửa thời gian ở nhà. Trẻ thấy bạn đọc sách, tò mò, hỏi, và bắt chước đọc. Các bạn trẻ đọc và trao đổi kiến thức với nhau, ở đó nếu thỉnh thoảng có thầy cô bên cạnh hỗ trợ, càng tốt. 

4. Đọc từ lúc nào, và thế nào?

 Nhà phê bình văn học Bùi Văn Nam Sơn cho biết: “Ở Đức, văn hóa đọc hay thói quen đọc sách được vun đắp từ thuở bé còn… chưa biết chữ”! Đọc là một thói quen, một nhu cầu, thậm chí đọc phải trở thành một bản năng.

Chưa biết chữ, cha mẹ kể truyện. Biết chữ, cha mẹ khuyến khích trẻ đọc chính những truyện ấy, để có khám phá riêng của mình. Cha mẹ cùng đọc, cùng trao đổi với trẻ về nội dung, nhân vật và tình tiết trong truyện. Từ đó dần dần chuyển qua sách khoa học xã hội [hay tự nhiên] để trẻ từng bước khám phá thế giới.

Trẻ ưa lạ, mới, thích tò mò khám phá. Cha mẹ hãy tận dụng cơ hội để trẻ tự khám phá. Xem tivi, kênh văn hóa diễn múa Apsara Chăm, bé thắc mắc về cách ăn mặc với điệu múa khác lạ kia, cha mẹ có thể giải thích gợi tò mò của trẻ về dân tộc và văn hóa tộc người Chăm ở miền Trung Việt Nam, giới thiệu sách về văn hóa Chăm. Kênh thế giới đưa tin về xung đột Israel Palestine, trẻ sẽ ngạc nhiên về vùng đất này. Chỉ cần vài gợi ý nhỏ để gợi sự tò mò của trẻ, sau đó dẫn trẻ đến với sách tìm hiểu biết về lịch sử Trung Đông.

Khuyến khích tính tò mò và phát triển tinh thần khám phá của trẻ, là đầu mối thiết yếu dẫn trẻ đến với sách, nuôi dưỡng thói quen đọc sách, và có tình yêu sách.

Inrasara


Related articles

(0) Comments
Focus
 Cử tri xã Thuận Minh: 
Kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chế độ người có công
BTO-Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 8/5, bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận đã có buổi tiếp xúc với cử tri xã Thuận Minh – huyện Hàm Thuận Bắc trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri các kỳ tiếp xúc trước. Cùng dự buổi tiếp xúc còn có lãnh đạo chính quyền địa phương, đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tập thói quen đọc sách từ khi bé chưa biết… chữ