Bất cập trong quản lý, khai thác vật liệu xây dựng

13/07/2016, 09:12

Bài 1: Có cầu ắt có cung

Nhu cầu xây dựng

BT- Đời sống ngày càng nâng cao, người ta càng chú trọng đến “chốn ở”. Tại TP. Phan Thiết đã có rất nhiều nhà đang được xây cất; ở khu dân cư Hùng Vương nhiều lô đất trống đã và đang được động thổ, xây móng nhà. Ông Trần Thanh Tùng, một chủ thầu uy tín ở Phan Thiết đang nhận xây nhiều nhà cho biết: “Do công việc, tôi đi nhiều tuyến đường trong 18 phường, xã thành phố ước chừng khoảng 300 căn đang xây, chưa tính công trình lớn như khu chung cư Phú Tài - Phú Trinh 2 blốc cao 14 tầng, khởi công gói thầu bệnh viện thành phố, Trường THPT Phan Thiết... Tính cả hai huyện lân cận Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam có hơn 500 căn nhà lớn, nhỏ của người dân sắp hình thành”. Trong khi đó, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương ở Bình Thuận cũng đang sửa chữa, xây dựng kết cấu hạ tầng như chợ, trường học, trạm y tế xã, đường giao thông nông thôn.

                
Hố khai thác cát lậu cách trụ điện cao thế    15m ở Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc).

Riêng huyện Hàm Thuận Bắc có khoảng 100 công trình như vậy sẽ được xây dựng trong năm nay, chưa kể các huyện còn lại trong tỉnh. Những người trong giới thầu cho hay, ở 3 huyện, thành phố: Phan Thiết, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, người dân mua cát (bồi nền, xây, tô) tại các cửa hàng, doanh nghiệp được chở chủ yếu từ huyện Hàm Thuận Bắc về. Các huyện khác như Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh, Bắc Bình, Tuy Phong, các cửa hàng lấy nguồn cát ở địa phương cung cấp cho dân. Nhu cầu xây dựng rất lớn là vậy, nhưng ở nơi cung cấp nguyên liệu chính là Hàm Thuận Bắc đến nay chưa có doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh được cấp giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá, sỏi…). Để đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân, công trình công cộng, trong mấy năm gần đây, một số cơ sở, cá nhân không ngần ngại dùng mọi cách khai thác cát lậu, bởi nó đem lại lợi nhuận khá lớn. Những ngày này, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn thấy xe tải ben của vài doanh nghiệp Hàm Thuận Bắc chở cát che đậy cẩn thận xuôi theo quốc lộ 28 về Phan Thiết.  Cánh lái xe cho biết, bình quân một xe ben chở 10 m3 cát xây từ các huyện về đến Phan Thiết có giá bán khoảng 2 triệu đồng. Trong mùa xây dựng tăng cao này, các chủ xe dễ dàng kiếm tiền là vậy.

 Khai thác cát lậu để cung cấp

Ông Trần Văn Mười, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường Hàm Thuận Bắc cho biết, từ đầu năm đến nay, Đoàn kiểm tra khoáng sản của huyện (Đoàn kiểm tra 06) cùng Tổ kiểm tra cấp xã phát hiện 40 vụ khai thác, vận chuyển cát lậu ở các xã: Hàm Chính, Hàm Liêm, Thuận Minh, xử phạt gần 50 triệu đồng; thu giữ 13 máy hút cát. Điển hình tại địa bàn xã Hàm Liêm vẫn còn hai hộ Trần Văn Xê, Nguyễn Minh Đức cho phương tiện lén lút khai thác cát trái phép trên đất nông nghiệp vào ban đêm, thứ bảy, chủ nhật. Trước đó, ở đây có 9 đối tượng hoạt động như vậy. Trong khi đó, trên địa phương xã Hàm Chính, Công ty TNHH Quang Hiền khai thác cát trái phép quy mô nhỏ lẻ hơn, trong khi doanh nghiệp đang lập hồ sơ xin cấp phép khai thác cát 3 ha ở đây. Cũng ở địa phương này, DNTN Quốc Lợi sử dụng xe máy đào múc đất san ủi mặt bằng đường giao thông từ kênh chính Sông Quao vào khu đất nông nghiệp của nhiều hộ dân; khi hồ sơ xin phép tận dụng vật liệu xây dựng thông thường đang trình UBND tỉnh phê duyệt…

Được biết, năm trước huyện Hàm Thuận Bắc phát hiện 16 trường hợp vi phạm khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng thông thường trái phép, xử phạt hơn 88 triệu đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu thuộc xã Hàm Chính, Hàm Liêm. Trong khi đó ở huyện Hàm Tân, nhiều đối tượng ngang nhiên dùng thuyền bơm hút cát lòng hồ thủy lợi Sông Dinh 3 chưa được xử lý. Một số khác dùng máy bơm hút cát lén lút ở nơi vắng vẻ của dòng sông Dinh qua xã Tân Xuân… Tại huyện Tánh Linh đầu tháng 7, hai vụ bơm hút, xúc đào cát dưới lòng hồ, đất nông nghiệp ở xã Gia An, Gia Huynh đã được phanh phui. Trước đó vụ đào xới đá cuội, cát băm nát khu vực suối Đá, xã Măng Tố... Còn ở huyện Bắc Bình, người dân từng khổ với nạn khai thác cát trên sông Lũy, là nguyên nhân gây sạt lở bờ sông. Ở Tuy Phong, nạn xúc, chở cát trái phép cũng lộng hành một thời. Hầu như không có huyện nào không có nạn cát tặc.

 Trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương

Trong thời gian qua, việc kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác vật liệu xây dựng vẫn còn không ít khó khăn. Tại địa bàn Hàm Thuận Bắc được coi là “điểm nóng” về khai thác cát lậu, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường cho biết thêm, Nghị định 142 ngày 24/10/2013 Chính phủ không có quy định xử phạt vận chuyển khoáng sản trái phép không rõ nguồn gốc, mua bán tàng trữ tài nguyên khoáng sản. Trong khi đó, Nghị định 185 ngày 15/11/2013 Chính phủ quy định về xử phạt trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả hàng cấm nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Trước đây quản lý thị trường huyện chưa áp dụng để xử lý trên lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản thông thường, nên việc xác lập hồ sơ vi phạm đề xuất xử lý theo nghị định này còn khó khăn, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Sau này, nghị định trên được điều chỉnh bổ sung tại Nghị định 124 ngày 19/11/2015 của Chính phủ quy định mức xử phạt vận chuyển, mua bán, tàng trữ khoáng sản trái phép không rõ nguồn gốc còn rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Như ở huyện Hàm Thuận Bắc, năm ngoái đến nay, tổng cộng phát hiện 56 vụ, Chủ tịch huyện và xã xử phạt 135 triệu đồng; chủ khai thác, vận chuyển bình quân chỉ nộp phạt hơn 2,4 triệu đồng/vụ! Cũng trên địa bàn này, những vụ khai thác vật liệu xây dựng trái phép ở xa khu dân cư, các đối tượng vi phạm trốn tránh, hoạt động khai thác, vận chuyển vào giờ trưa, ban đêm, ngày nghỉ cuối tuần; cho người trực chốt nhiều điểm canh đường, theo dõi hoạt động của đoàn, tổ kiểm tra. Khi lực lượng liên ngành xuống hiện trường các đối tượng hầu như nắm bắt được, thông tin nên chấm dứt khai thác, di chuyển phương tiện xe múc ra xa, do đó việc bắt quả tang, xác định đối tượng vi phạm, lập hồ sơ xử lý gặp không ít khó khăn…

Theo khoản 5 Điều 11, khoản 4 Điều 12 của Quyết định số 41/2015/QĐ-UBND ngày 8/9/2015 của UBND Bình Thuận quy định quản lý hoạt động khoáng sản: trường hợp để xảy ra tình trạng thăm dò, khai thác, tận thu khoáng sản, tận dụng khoáng sản không có giấy phép hoặc văn bản cho phép của cấp thẩm quyền, đem khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp tặng, cho hoặc  bán cho tổ chức, cá nhân khác mà UBND cấp xã không phát hiện, xử lý theo thẩm quyền, báo cáo kịp thời UBND cấp huyện. Đến khi các cơ quan chức năng kiểm tra mới phát hiện, UBND cấp huyện sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp xã nơi đó. Trường hợp UBND cấp xã phát hiện nhưng vượt thẩm quyền xử lý, đã có báo cáo UBND cấp huyện nhưng UBND cấp huyện chậm xử lý, UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp huyện.

Thái Khoa


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất cập trong quản lý, khai thác vật liệu xây dựng