Sản phẩm không tên và chuyện khuyến nghiệp

22/07/2016, 08:55

“Vết dầu loang”

BT- Nhà ông Năm làm nước mắm từ rất lâu, có một xưởng chế biến nước mắm ở phường Phú Hài, TP. Phan Thiết. Những chai nước mắm của ông cũng không tên,  giá 50 - 60 ngàn đồng/lít, ăn rất đậm đà. Có người ăn nước mắm nhà ông trên 10 năm. Vì thế, lượng người ăn nước mắm nhà ông rất nhiều, không chỉ ở  trong tỉnh mà còn ở TP. HCM, Nha Trang… Tất cả giao dịch, mua bán đều qua người thân, người quen giới thiệu ăn thử. Hỏi vì sao nước mắm ngon thế mà không đăng ký tên cho dễ dàng trong mua bán cũng như cho tặng và xa hơn là hình thành thương hiệu, lên doanh nghiệp, công ty, ông trả lời tỉnh queo: “Ừ, không cần tên, lâu nay người ta ăn quen rồi, biết chất lượng nên vẫn mua đều đều. Nếu đăng ký tên, bước vào thương trường bây giờ có quá nhiều nước mắm công nghiệp với mẫu mã đẹp, đa dạng, mình không thể cạnh tranh được...”. Khi nói đến chuyện người ta sẽ pha chế nước mắm của ông, bán ra ngoài, gây ảnh hưởng, ông cũng không lo, vì đâu có tên gọi mà ngại chuyện thương hiệu bị ảnh hưởng. Ở góc độ nào đó thấy cũng có lý, vì thực tế, cơ sở của ông vẫn ủ chượp nước mắm thường xuyên và bán hàng ra thị trường thường xuyên theo kiểu “vết dầu loang”, tức người này giới thiệu người kia, chậm nhưng chắc.

                
Ảnh có tính chất minh họa. Ảnh: Đình Hòa

Giống ông Năm, bà Chín ở Chí Công - Tuy Phong, làm bánh tráng, cơm cháy, mắm ruốc có nghề nhưng các sản phẩm ấy cũng không tên, dù được bày bán tại một sạp hàng ở đường Lê Văn Phấn, lối vào chợ Phú Thủy. Bánh tráng không có tên đã đành, những bịch cơm cháy, những hũ mắm ruốc, loại người tiêu dùng hay ngán ngại chuyện mất vệ sinh trong chế biến cũng không có tên hay bất cứ thông tin gì cam đoan. Ban đầu nhiều người e ngại nhưng sau khi ăn một lần đã quay lại đây mua với sự mạnh dạn hơn cũng như giới thiệu món ăn vặt ngon cho những người khác. Vì thế, sạp hàng ấy luôn đông khách. 

Phải khởi nghiệp

Không chỉ ông Năm, bà Chín mà có rất nhiều hộ cá thể khác hoạt động trên các ngành nghề truyền thống ở tỉnh như nước mắm, bánh cốm, bánh rế, mắm ruốc... đều dựa vào con đường bán hàng không tên ra thị trường theo kiểu “vết dầu loang”. Lâu nay vẫn thế nhưng thời gian này, khi hàng hóa tràn đầy, thật giả lẫn lộn thì cách bán hàng này đang là “mốt”, thu hút nhiều người chịu mua. Bối cảnh này cũng đang dấy lên chuyện khởi nghiệp, ở khắp nơi, các tổ chức cổ súy cho khởi nghiệp, đề ra các chỉ tiêu cho khởi nghiệp, đẩy lên thành phong trào khuyến khích khởi nghiệp. Không khí những ngày này tại Bình Thuận cũng trong xu thế đó, thể hiện không chỉ số doanh nghiệp đăng ký thành lập đang tăng, mà các hội thảo nhằm gỡ đinh dưới thảm thu hút đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tốt cũng đang sôi nổi.

Thực tế chỉ ra tỷ lệ khởi nghiệp thành công theo các thống kê cho đến nay chỉ từ 5 - 10%. Tức  có hơn 90% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại hoặc sống cầm hơi. Vì vậy, nhiều nhà kinh doanh nhấn mạnh khởi nghiệp phải theo tinh thần thúc đẩy nhiều người bỏ vốn ra làm ăn, phải giữ được sự bền bỉ lâu dài qua các thế hệ nối tiếp nhau. Và điều trước tiên cần thiết phải làm cũng như có sức thuyết phục nhất bây giờ là làm sao  giữ cho các doanh nghiệp trụ lại được trên thương trường và tiếp tục phát triển. Bởi thành công của các doanh nghiệp đang hiện diện trên thương trường chính là bằng chứng thuyết phục và hữu hiệu nhất đối với tất cả những ai đang nuôi mộng kinh doanh.

Quay lại tình hình tại tỉnh, với số lượng lớn những hộ cá thể đã có sản phẩm đứng vững trên thị trường nhưng trên danh nghĩa của kinh doanh, họ đang là vô danh. Nếu những hộ cá thể này được giúp đỡ, động viên, được hỗ trợ để họ mạnh dạn đặt tên cho sản phẩm, mạnh dạn lên doanh nghiệp, thành lập công ty, tạo nên những thương hiệu sau này thì Bình Thuận có thêm yếu tố dấy lên chuyện kinh doanh bền vững. Đây là việc làm trong tầm tay và là cách “khuyến nghiệp” hiệu quả mà lại chẳng tốn kém gì nhiều cho ngân sách.

Bích Nghị


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản phẩm không tên và chuyện khuyến nghiệp