Làm gì để bảo vệ ngư dân?

29/07/2016, 08:43

BT- Chính phủ đang phải áp dụng nhiều biện pháp để bảo đảm an sinh xã hội cho ngư dân vùng biển bị ô nhiễm do Formosa gây ra. Hàng loạt ngành nghề kinh tế biển như: đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản và cả du lịch biển bị thiệt hại, phải mất nhiều thời gian để khôi phục ngư trường và ổn định cuộc sống người dân.

Không ồn ào “tai tiếng” như Formosa, một tình trạng cứ âm thầm, lặng lẽ diễn ra ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, làm nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, đó là nạn khai thác theo kiểu “tận diệt”, thậm chí “hủy diệt”. Theo một điều tra mới nhất của ngành thủy sản: Tỷ lệ hải sản chưa trưởng thành bị dính trong mẻ lưới vượt giới hạn cho phép từ 30 – 45%. Đặc biệt tình trạng lén lút khai thác hải sản trong thời gian cấm khai thác, sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại, lưới có kích cỡ mắt quá nhỏ, vẫn diễn ra phổ biến, khiến nhiều loại thủy sản đặc trưng của nước ta gần như bị tận diệt.

Vòng lẩn quẩn: Muốn chuyển nghề thì phải đóng tàu công suất lớn, mà đóng tàu lớn thì ngư dân không có vốn… Cứ thế, lượng tàu công suất nhỏ càng nhiều thì nguồn lợi thủy sản ven bờ càng cạn kiệt, năng suất và hiệu quả khai thác giảm hẳn.

Bình Thuận vốn là 1/3 ngư trường lớn nhất nước nhưng giờ cá, tôm ngày càng khan hiếm. Một ngư dân Bình Thuận cho biết: Trước kia vào mùa cá cơm, cá nục, cá trích, vùng ven biển Nam Trung bộ luôn xuất hiện những đàn cá khổng lồ với mật độ dày đặc. Nay có thả lưới hàng trăm hải lý cũng rất hiếm cá tôm, nhất là những đàn cá dày đặc như trước.

Sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ kéo theo sự mai một nhiều nghề chế biến truyền thống, trong đó có sản phẩm nước mắm Phan Thiết nổi tiếng, do khan hiếm nguyên liệu.

Có một mối liên hệ nhân – quả rất xót xa giữa tình trạng khai thác kiểu “tận diệt”, với sự tăng cao số tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ vì đánh bắt trái phép thời gian gần đây. Có khi chỉ trong vòng 9 ngày (trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua), hàng trăm ngư dân Việt Nam bị lực lượng chấp pháp Thái Lan bắt giữ. Đáng lo ngại hơn là nhiều trường hợp tàu cá Việt Nam bị bắn phá, bị đâm chìm, ngư dân bị đẩy xuống biển, thậm chí có người bị bắn chết, tức là bị đối xử vô nhân đạo hơn trước.

Ở Bình Thuận, mấy năm gần đây mỗi năm có hàng chục tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ. Nửa đầu năm nay có 6 tàu/55 lao động bị nước ngoài bắt giữ. Đến nay mới có 1 tàu, 29 lao động được trả về nước, còn lại đang bị giam giữ ở nước ngoài.

Đặc biệt, cách đây 5 ngày (ngày 24/7), có 10 tàu cá Bình Thuận với 80 lao động (chủ yếu của thị xã La Gi) bị nước ngoài bắt giữ. Trong đó 9 tàu bị Indonesia bắt, 1 tàu bị Malaysia bắt. Đây là thiệt hại lớn và rất nhiều gia đình ngư dân sẽ phải lao đao, vì mất đi tài sản, phương tiện và lao động chính.

Luật pháp Indonesia và Malaysia xử phạt rất nghiêm khắc, ngư dân vi phạm bị tịch thu tàu (có thể bị phá hủy, đánh chìm), thuyền trưởng và thuyền viên bị bỏ tù. Thái Lan, Philippines ngày càng mạnh tay hơn chống đánh bắt trái phép. Tuy nhiên số tàu cá Việt Nam bị các nước láng giềng bắt giữ vẫn liên tục xảy ra.

Ngoài nguyên nhân khách quan do vùng biển nước ta rộng, tiếp giáp nhiều nước, nên ngư dân ta khó phân định đâu là ranh giới, lãnh thổ nước mình, đâu là vùng chồng lấn, tranh chấp. Một nguyên nhân chính là kinh tế, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển Việt Nam ngày càng giảm sút, trong khi nguồn lợi thủy sản ở các quốc gia láng giềng còn phong phú, đặc biệt có nhiều loại hải đặc sản quý hiếm, giá trị cao, nên vì cơm áo gạo tiền nhiều ngư dân bất chấp hiểm nguy cố tình vi phạm và tái phạm nhiều lần. 10 chủ thuyền ở La Gi vừa bị nước ngoài bắt giữ đều có bản cam kết không xâm phạm vùng biển các nước, nhưng bà con vẫn vi phạm.

Làm gì để bảo vệ ngư dân ta, nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ? Việt Nam từng tự hào có “rừng vàng biển bạc”, nhưng nếu không biết giữ gìn mà làm cho tài nguyên cạn kiệt, phải đi đánh bắt trái phép ở vùng biển xứ người để mưu sinh, thì chỉ nên tự trách mình thôi. Một câu khẩu hiệu có từ lâu rồi mà đến nay vẫn tuyệt đối đúng: “Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chính là bảo vệ cuộc sống và tương lai của các thế hệ ngư dân”.

Đặng Dũng


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để bảo vệ ngư dân?