Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc): Mô hình luân canh “2 lúa, 1 dưa leo”

01/08/2016, 08:18

BT- Mô hình trồng dưa leo trên đất lúa của nông dân xã Hồng Sơn (huyện Hàm Thuận Bắc) không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế  mà còn giảm nguồn lây dịch bệnh, chất đất được cải tạo đem lại năng suất cao cho cây lúa.

                
Ông Long đang chăm sóc dưa leo.

Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Sơn cho biết, năm 2015, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã hỗ trợ kinh phí để Hội Nông dân xã xây dựng 2 tổ thực hiện mô hình sản xuất “2 vụ lúa, 1 vụ màu”. Việc đưa mô hình sản xuất 1 vụ dưa leo vào thí điểm trồng trên diện tích đất lúa chính là giải pháp bền vững không chỉ giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn giữ vững diện tích đất lúa trên địa bàn xã. Bởi những năm gần đây, do cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nông dân đã chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng thanh long nhiều, do đó diện tích đất lúa ngày càng thu hẹp. Sau khi vận động, có 120 hộ dân tham gia mô hình trồng dưa leo 1 vụ trên đất lúa với diện tích 20 ha, tập trung ở thôn 1 và thôn 2. Để mô hình đạt hiệu quả, Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa leo cho bà con, đồng thời hỗ trợ giống và 1 phần chi phí vật tư cho bà con khi triển khai trồng. Vụ dưa leo đầu tiên bà con trồng với năng suất trung bình đạt 3 tấn/sào với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, có lúc giá lên đến 8.000 - 9.000 đồng/kg, nông dân có lãi cao. Bước đầu, mô hình trồng dưa leo trên đất lúa không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn cải tạo đất, giảm được sâu bệnh, mang lại năng suất cao cho cây lúa.

Ông Trần Ngọc Long ở thôn 2, cho biết, từ diện tích 6 sào lúa của gia đình do chất đất cằn cỗi nên năng suất lúa đạt thấp, ông mạnh dạn chuyển đổi qua mô hình trồng dưa leo thay vì trồng lúa vụ 3. Khi trồng thử dưa leo trên diện tích đất ruộng thì chất đất vùng này rất thích hợp cho dưa leo phát triển, đạt năng suất cao. Theo ông Long, trồng dưa leo thuận lợi nhất là từ tháng 7 đến tháng 10. Kỹ thuật trồng dưa leo không khó, nhưng phải tuân thủ bón phân, xịt thuốc theo quy trình. So cây lúa thì dưa leo nhọc công chăm sóc, bù lại đem lợi nhuận gấp 4 - 5 lần. Nếu trúng vụ thì 1 sào dưa leo cho năng suất khoảng 4 tấn, bán giá 6.000 - 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 16 - 17 triệu đồng (trong khi 1 sào lúa chỉ lãi 3 - 4 triệu đồng). Dưa leo kể từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch khoảng 1 tháng và kéo dài đến cuối vụ là 2 tháng. Sau khi kết thúc vụ dưa leo, ông Long chuyển sang trồng lúa và nhận thấy lúa phát triển rất tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao hơn trước.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục triển khai, vận động bà con nhân rộng mô hình “2 lúa, 1 dưa leo”. Được biết, đây cũng là mô hình sản xuất nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

    
      Nếu trúng vụ thì 1 sào dưa leo cho năng suất khoảng 4 tấn, bán giá 6.000   - 7.000 đồng/ kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 16 - 17 triệu đồng   (trong khi 1 sào lúa chỉ lãi 3 - 4 triệu đồng).

Thanh Thủy


Related articles

(0) Comments
Focus
Biển bạc của ta do dân ta làm chủ
Cách đây đã 65 năm, ngày 31/3/1959 Bác Hồ đến thăm làng cá Cát Bà (Hải Phòng). Nói chuyện với bà con ngư dân ở đây, Bác Hồ căn dặn: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Để ghi nhớ lời dặn của Người, từ năm 1995 Chính phủ đã lấy ngày 1/4 hàng năm làm Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc): Mô hình luân canh “2 lúa, 1 dưa leo”