Tuy Phong: Cần quy hoạch vùng trồng trôm

03/08/2016, 08:34

BT- Những năm qua, cây trôm ở vùng đất khô hạn Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) đã giúp nhiều hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nâng cao đời sống.

                
Thu hoạch mủ trôm ở Tuy Phong. Ảnh: Đ.Hòa

Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây trôm nên chỉ trong thời gian ngắn, diện tích cây trôm ở Tuy Phong phát triển một cách nhanh chóng, chiếm hơn 80% diện tích trồng trôm toàn tỉnh (khoảng 400 ha). Có thể nói, cây trôm là “phao cứu sinh” cho các hộ dân vùng đất nắng gió này, giúp nhiều người thoát nghèo, giải quyết việc làm cho dân địa phương, nhất là lao động nữ; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo môi trường sinh thái tốt và góp phần tăng độ che phủ của rừng. Tuy nhiên, hiện nay phong trào trồng trôm của địa phương chủ yếu vẫn tự phát, chưa có định hướng, thiếu bền vững và đối mặt nhiều rủi ro. Do đó, mới đây UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các ngành liên quan cần nghiên cứu, quy hoạch phát triển vùng trồng cây trôm trên địa bàn Tuy Phong theo định hướng phát triển bền vững, hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với việc đầu tư cơ sở chế biến từ nay đến năm 2020. Hiện nay, mủ trôm được khai thác chỉ mới được sử dụng làm nước giải khát (DNTN Liên Hảo) và làm mỹ phẩm (Công ty TNHH mỹ phẩm Vĩnh Tân). Tuy nhiên, ngoài 2 doanh nghiệp có thương hiệu, thì hầu như mủ trôm được bán trên thị trường đều không có nhãn mác, khó truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm và đầu ra vẫn chưa ổn định. Ông Huỳnh Nhứt – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Phong cho biết: “Đầu ra cây trôm còn rất khó khăn, ngoài 2 doanh nghiệp thu mua sản phẩm, trước đây còn có Công ty CP Mủ trôm Vĩnh Hảo (xã Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc) thu mua sản phẩm, nay công ty này ngưng hoạt động nên thị trường cây trôm còn bấp bênh”. Ngoài ra, việc trồng trôm hiện nay mang tính tự phát và các mô hình thí điểm chưa theo quy hoạch. Vì lợi nhuận trước mắt, một số nông dân khai thác mủ nhiều lần trong năm trên những cây chưa đúng tuổi làm cây dễ bị suy kiệt và năng suất mủ giảm đáng kể. Do đó, việc quy hoạch vùng trồng trôm tập trung sẽ là điều kiện thuận lợi để cây trôm phát triển bền vững, khẳng định thương hiệu mủ trôm Tuy Phong và làm đa dạng sản phẩm có giá trị kinh tế cao ở Bình Thuận. Ông Nhứt cho biết thêm: “Trong năm nay, UBND huyện sẽ chỉ đạo thành lập 2 HTX trồng trôm liên kết với 1 doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định. Và phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 80% hộ nông dân sản xuất cây trôm liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Chỉ có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà vườn và người thu mua, thì nông dân mới tránh khỏi tình trạng bị tư thương ép giá”.

Với mục tiêu mở rộng diện tích cây trôm trên địa bàn huyện Tuy Phong đến năm 2020 đạt 1.000 ha,  nâng  cao  năng  suất  mủ  trôm  từ  800kg/ha/năm  lên 1.200kg/ha/năm, đạt sản lượng 540 tấn/năm, hiện các sở, ngành đang tích cực rà soát quỹ đất, nguồn vốn và từng bước nâng cao kỹ thuật chăm sóc để cây trôm thật sự là cây trọng điểm của huyện nói riêng và tỉnh nói chung trong thời gian tới.

M.V


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuy Phong: Cần quy hoạch vùng trồng trôm