Bình Thuận: Người đọc sách ngày một ít đi

22/07/2016, 09:27

BT- Để có thói quen đọc sách, trẻ em phải được tập đọc sách ngay từ khi rất sớm.

Lười đọc

Trước sự phát triển mạnh của công nghệ nghe nhìn như điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng, song ở một số quốc gia, người dân vẫn  coi việc đọc sách là quan trọng, là nguồn bổ sung kiến thức, kho tư liệu của cuộc sống. Đơn cử như Pháp, Nhật Bản, Israel… mỗi người dân đọc khoảng 20 cuốn sách/năm. Trong khi đó, mỗi người Việt Nam trung bình đọc 0,8 cuốn sách/năm. Riêng tại Bình Thuận, năm 2014 có 2.600 người (1.160 thiếu nhi) đến thư viện làm thẻ đọc sách. Năm 2015, số  người đọc giảm 26,12%, tương ứng 1.921 thẻ (750 thẻ thiếu nhi). 6 tháng đầu năm 2016, chỉ 781 thẻ đọc được phát hành.

Ông Trần Văn Bé – Giám đốc Thư viện tỉnh giải thích: “Số  người làm thẻ tại thư viện giảm trong những năm gần đây bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn. Ngoài nguyên nhân khách quan ấy, nguyên nhân chủ quan là sự đầu tư các bản ấn phẩm hàng năm cũng giảm dần”.

Ông Bé cho biết thêm: “Gần đây, Thư viện tỉnh phối hợp phòng giáo dục  khuyến khích học sinh đọc sách; hỗ trợ xây dựng thư viện các trường vùng ven Phan Thiết, tổ chức “Ngày hội sách”, cuộc thi vẽ tranh… Tuy nhiên, số người đọc tới thư viện chưa khả quan”.

  15 phút đọc trước giờ học

Từ lâu, mọi người biết người dân Nhật rất ham đọc sách. Mới đây, hình ảnh nhóm học sinh Nhật ngồi đọc sách khi chờ lên máy bay tại phòng chờ sân bay Chiang Mai (Thái Lan) được nhiều người trong cộng đồng mạng xem  cũng như ước mong con trẻ của xứ mình cũng có tinh thần đọc sách như thế!

  Tương tự là Singapore. Khi  đến nước Singapore, đi đâu bạn cũng sẽ gặp cảnh học sinh lớn bé đọc sách. Đọc sách trên tàu điện, trên đường đến trường, trong công viên…  Một lần tôi trò chuyện với chị bạn người Singapore về chuyện nhiều học sinh mê mải đọc sau khi bước lên tàu điện. Chị nói: “Ở Singapore, Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định học sinh tiểu học, trung học phải đọc sách 15 phút trước buổi học tại trường, cũng như khuyến khích mang theo sách khi đến trường. Khi đọc xong, học sinh đổi sách với bạn trong lớp, nhờ vậy trẻ em sớm hình thành thói quen đọc sách”…

Trông người mà ngẫm đến ta. Nhà trường và gia đình ở ta hiện nay chưa tạo cho trẻ thói quen đọc sách  và đưa việc đọc sách trở thành hoạt động chính tại trường học. Để có thói quen đọc sách, trẻ em phải được tập đọc sách ngay từ khi rất sớm. Nếu là mầm non, cha mẹ, cô giáo kể truyện cho trẻ nghe, còn từ tiểu học trở đi, nhà trường hướng dẫn  học sinh cách đọc  và cách chọn sách  phù hợp với lứa tuổi.

Trang Minh


Related articles

(0) Comments
Focus
Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II:
Khởi động vòng chung kết
BTO-Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II năm 2022 - 2024 chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Khát vọng vươn xa” đã khởi động vòng chung kết vào hôm nay 26/4. Tham dự có ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ, các thành viên ban tổ chức, hội đồng ban giám khảo cuộc thi cùng 15 tác giả/nhóm tác giả có giải pháp, mô hình vào vòng chung kết.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận: Người đọc sách ngày một ít đi