Hàm Thuận Bắc: Đào tạo nghề theo nhu cầu lao động

03/08/2016, 08:58

BT- Thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là Trung tâm) huyện Hàm Thuận Bắc đã chủ động phối hợp với các xã, thị trấn, các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu người lao động và đúng địa chỉ.

                
Học sửa chữa máy nông nghiệp tại Hàm Thuận    Bắc.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã mở 8 lớp với 229 học viên, chiếm tỷ lệ 45,44% so kế hoạch năm. Trong đó, 4 lớp may công nghiệp học tại Công ty TNHH May Thuận Tiến – Khu công nghiệp Phan Thiết, 1 lớp trồng và chăm sóc thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, 1 lớp sửa chữa máy nông nghiệp, 1 lớp kỹ thuật chế biến món ăn, 1 lớp chăn nuôi gia súc. Hiện nay, lớp học về may công nghiệp, chăm sóc thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đang thu hút học viên theo học nhiều nhất. Sau đào tạo, đa số học viên đều có việc làm, các nghề còn lại tự tạo việc tại cơ sở sản xuất của gia đình. Những năm trước đây, vì là huyện thuần nông, nên ngành nghề mà học viên chọn phần lớn là những ngành gần gũi với công việc hàng ngày trong gia đình như trồng trọt, chăn nuôi, dệt thổ cẩm... Và sau khi hoàn tất các lớp ngắn hạn, học viên có thể vận dụng vào thực tế để phát triển kinh tế gia đình. Còn những ngành như may công nghiệp, điện dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp… rất khó tuyển sinh. Nguyên nhân là vì khi đào tạo xong học viên không biết làm ở đâu để có thu nhập ổn định.

Chính vì vậy, năm nay Trung tâm đã chủ động phối hợp với Công tymay Thuận Tiến tại Khu công nghiệp Phan Thiết mở 4 lớp đào tạo nghề may công nghiệp với gần 150 học viên theo học. Trong 2 tháng học nghề, học viên sẽ được nhận phụ cấp của công ty từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng. Sau khi đào tạo xong, tất cả các học viên được ký hợp đồng vào làm tại công ty với mức lương trung bình từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà Hàm Thuận Bắc cũng như nhiều địa phương khác trăn trở là lực lượng giáo viên tham gia dạy nghề còn rất mỏng, kinh nghiệm chưa nhiều. Hoặc có một số lớp học viên bỏ học nhiều hoặc đi học không đều do đời sống còn khó khăn, phải làm kinh tế. Bên cạnh đó, chính quyền xã, thị trấn thiếu quan tâm trong việc phối hợp với Trung tâm để vận động, động viên số học viên này trở lại học.

Từ nay đến cuối năm, Trung tâm sẽ tuyển sinh khai giảng thêm 12 lớp/275 học viên. Các nghề tuyển sinh gồm kỹ thuật chế biến món ăn tại xã Hồng Liêm, trồng và chăm sóc cây cà phê tại xã La Dạ, chăn nuôi gia súc tại xã Thuận Hòa, sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Hàm Đức, lắp ráp và sửa chữa máy vi tính tại xã Hàm Chính… Để thực hiện đạt 100% chỉ tiêu được giao, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn, các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu người lao động và đúng địa chỉ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều hình thức sinh động. Cùng với đó, tiếp tục bổ sung sửa đổi, hoàn chỉnh chương trình, giáo trình giảng dạy phù hợp với thực tế tại địa phương. Xây dựng đội ngũ giáo viên, kỹ thuật viên giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành. Áp dụng những phương tiện dạy học hiện đại đi đôi với cải tiến phương pháp kỹ năng đào tạo nghề theo hướng tích hợp và tăng cường kỹ năng thực hành vào công tác giảng dạy. Từ đó, tạo thêm sự sinh động và gây hứng thú cho người học, hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

THU HÀ


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Đào tạo nghề theo nhu cầu lao động