Vùng dân cư “nhiều không”

02/08/2016, 09:37

BT- Trong nhiều năm, khu dân cư 143 thuộc địa phận xã Đa Kai (Đức Linh) với khoảng 110 hộ/310 khẩu phải sống trong cảnh không điện, đường, trường, trạm…

                
Không có đường giao thông, bà con tự chắp    vá làm đường đi tạm. Ảnh: Ngọc Lân

Thiếu thốn trăm bề

Từ quốc lộ 20 thuộc địa phận huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), con đường độc đạo quanh co, dốc dựng, đất đá lởm chởm, chạy quanh theo triền núi. Nếu tay lái người chạy xe không vững, thì khó có thể vượt qua quãng đường dài hơn 4km dù trời nắng ráo.

Ông Hồ Văn Minh, người dân tại khu vực này chia sẻ: “Tôi đến đây sống từ năm 1998. Mỗi khi mưa xuống, không thể qua suối mà phải đợi cho đến khi nước rút. Nếu nửa đêm có ai trở bệnh nặng, thì chỉ có nằm trong võng khiêng chạy bộ, chứ không thể chạy bằng xe máy chở 3 người xuống con đường dốc đến Trạm Y tế của Madaguoi (Lâm Đồng). Nước uống và sinh hoạt hàng ngày lấy từ suối. Mọi sinh hoạt, sản xuất của người rất khó khăn bởi chưa có điện. Hầu hết các hộ sử dụng  bình ắc-quy, đèn pin, đèn dầu để lấy ánh sáng sinh hoạt vào buổi tối và cho trẻ em học bài”.

Khu này không có sóng điện thoại. Nhiều khi xã có việc gấp gọi điện thông báo, hoặc người dân cần liên lạc với chính quyền hoặc nơi khác khi cần, đều không liên lạc được, gần như bị cô lập hoàn toàn. Những khi “thôn” có việc, chỉ có cách đến tận nhà người dân gõ cửa thông báo. Đó là lời bộc bạch của ông Mai Thành Lâm, người dân của thôn.

Chị Lê Thị Thúy cho biết: “Gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác, chưa có hộ khẩu. Chúng tôi phải gửi 3 đứa con tạm trú vào hộ khẩu Lâm Đồng trong 3 gia đình khác nhau để các cháu được đi học. Đây là khó khăn của người dân trong thôn muốn cho con có cái chữ”.

 Tiềm năng cây ăn quả

Mặc dù cuộc sống hơn 100 hộ dân nơi đây thiếu thốn trăm bề, nhưng khí hậu, thổ nhưỡng nguồn nước ban tặng cho vùng đất phát triển cây ăn quả. Ven đường là những cây chôm chôm xanh đỏ trĩu quả trên cành, thơm lừng mùi mít tố nữ, xen kẽ là sầu riêng, bưởi da xanh căng tròn… Vùng dân cư 143 ảnh hưởng khí hậu của Lâm Đồng nên tương đối khá mát mẻ, kết hợp với nguồn nước suối dồi dào làm cho nhiều vườn cây ăn quả xanh mướt, tươi tốt.

Theo ông Lâm, trước đây người dân chỉ trồng điều, dần dần họ đã chuyển đổi cây trồng. Vùng đất này phù hợp với các cây ăn quả cao sản như sầu riêng “Mỏm Thòn”, mít siêu sớm, măng cụt, chôm chôm… năng suất cao. Hiện nay, có 40% diện tích trong vùng đã chuyển đổi trồng các loại cây trên. Ngoài ra, người dân còn phát triển đồng cỏ để chăn nuôi dê, bò…Để nông nghiệp vùng này phát triển hơn nữa với năng suất cao, người trồng cần ứng dựng thêm khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, dân trí ở đây quá thấp khó tiếp cận được tài liệu.

                
Trẻ em không có trường để học.

Ông Lâm, ông Minh, chị Thúy cũng như bao người dân khác trong vùng mong muốn các cấp chính quyền quan tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất về các vấn đề an sinh xã hội mà người dân đang thiếu hiện nay và kể cả đầu tư đường giao thông thuận tiện. Nếu có điện và đường giao thông thuận tiện, người dân sẽ khai thác tốt thế mạnh của mình về trồng trọt, chăn nuôi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

    
    Ông Đinh Đức Đào – Chủ tịch UBND xã Đa Kai cho biết: “UBND tỉnh đã có   quyết định thành lập thôn 11 từ khu dân cư 143 của xã Đa Kai (Đức Linh)   vào tháng 7/2016. Sau khi có quyết định thành lập thôn, UBND xã tiến   hành củng cố thành lập hệ thống thôn”.

Trang Hiếu


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vùng dân cư “nhiều không”