Đời công nhân “phế liệu”

11/07/2016, 10:00

BT- Hơn 30 công nhân “3 không” hàng ngày làm việc dưới cái nắng thiêu đốt ở Tuy Phong. Họ đang bị “tận thu” sức lao động, bên cạnh những rủi ro có thể xảy ra...

Họ là những người lao động nghèo, nhàn rỗi đến từ Phan Rang, Tuy Phong, có cả người miền Tây. Hàng ngày những người này phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt dưới cái nắng gay gắt của Tuy Phong. Công việc của họ là phân loại phế liệu công nghiệp. “Công ty nhận thầu phế liệu từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, đó là gỗ thông và sắt. Sau khi nhập hàng phế liệu về, công nhân tiến hành nhổ đinh, phân loại rồi đem chất vào kho hàng” - anh Nguyễn Thái Phương (do yêu cầu, tên nhân vật đã được thay đổi), cho biết.

Khoảng 30 công nhân đang làm việc cho Công ty TNHH Thương mại Phúc Minh Hoàng (Vĩnh Hảo, Tuy Phong) phải làm việc dưới cái nắng gay gắt của vùng gió cát Tuy Phong. Không có bảo hiểm, thậm chí khi tuyển dụng phía công ty yêu cầu nộp giấy chứng minh nhân dân nhưng cuối cùng nhiều người đã làm gần cả tháng nhưng cũng chẳng thấy ai hỏi giấy tờ. Mỗi ngày công ở đây, họ được trả 150 ngàn đồng, công việc chính là nhổ đinh, phân loại gỗ, sắt và xếp vào kho hàng. Mỗi ngày sẽ có vài chuyến hàng đổ về, khi xe hàng vào bãi, công nhân phải làm việc giữa trời, không có bảo hộ lao động. Theo quan sát của chúng tôi, ở góc bãi có một bình gas lớn không che đậy và dưới thời tiết nắng nóng như Tuy Phong rất dễ phát nổ. Tuy công việc chính của công nhân là nhổ đinh, phân loại gỗ, sắt và xếp vào kho nhưng do không trang phục bảo hộ lao động nên nhiều anh em công nhân bị đạp đinh chảy máu là chuyện bình thường. “Làm ngoài nắng nhưng nguy hiểm nhất là bình gas to lại để ngoài nắng dễ nổ quá, trong khi đó chỉ có bình chữa cháy nhỏ để trong xưởng” - một công nhân cho biết.

Công nhân làm ở đây được chủ “bao” ăn trưa và chiều, nghỉ trưa tại chỗ. Tiền chợ được chủ chi 350.000 đồng/ngày cho khoảng 30 công nhân. Vậy nên, bữa cơm trưa gồm món canh loãng, phía dưới vài miếng bí xanh và dĩa thịt kho, kèm với chén nước mắm hay xì dầu. “Đời công nhân mà anh, có gì ăn đó chứ biết sao. Mình đi làm thuê phải chịu. Chuyện ăn uống cũng chẳng quan trọng nhưng tụi em chẳng có bảo hiểm, hay hợp đồng gì cả” - anh T chia sẻ.

Tuy không kêu ca về tiền công thấp, nhưng chính những công nhân nghèo đang làm việc tại đây rất lo lắng về sự mất an toàn cho chính môi trường mình đang làm việc. Những bữa trưa chan chát nắng, họ vẫn cần mẫn với công việc của mình, nhưng đâu đó lại là sự ám ảnh về tình trạng cháy nổ có thể xảy ra, mà chính họ hàng ngày đang làm việc không được trang bị vật dụng gì để bảo hộ.

Quang Nhân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đời công nhân “phế liệu”