Giải quyết hồ sơ công nhận thương binh, liệt sĩ: Cần sự chủ động, tận tâm

01/08/2016, 08:25

BT- Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó vẫn còn nặng nề. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm việc chăm lo, giải quyết các chế độ, chính sách cho người có công. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là trong giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận thương binh, liệt sĩ…

                
      
Văn phòng Tỉnh ủy đến thăm, trao quà cho mẹ    liệt sĩ Trần Thị Tư (SN 1935), ở khu phố 6, phường Phú Tài (TP.Phan    Thiết)

Theo quy định về thực hiện chế độ ưu đãi dành cho người có công với cách mạng, việc xác nhận thương binh, liệt sĩ được hay không phải căn cứ vào kết quả xác minh, kết luận cuối cùng của các cơ quan, đơn vị cũ. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn đơn vị của người bị thương ở xa hoặc đơn vị cũ không có cơ sở để kết luận. Bên cạnh đó, qua tổ chức lập hồ sơ xét duyệt theo Thông tư liên tịch số 28 của liên bộ: Quốc phòng, Lao động – Thương  binh và Xã hội về “Hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ” trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo đó, người làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ nhưng họ không còn lưu giữ được giấy tờ liên quan nên rất khó xác minh; một số đơn vị cũ đã giải thể và đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý cũng giải thể, như: Đoàn 5504, Tiểu đoàn 186, Đại đội 5 đặc công trong kháng chiến chống Mỹ tại Bình Thuận… Đặc biệt, việc xác minh cho trường hợp nhập ngũ tại miền Bắc rồi vào miền Nam chiến đấu, công tác đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và nghỉ hưu tại miền Nam cũng gặp nhiều vướng mắc, mất rất nhiều thời gian. Do đó, có hồ sơ đề nghị từ những năm trước nhưng đến nay chưa thể trả lời vì phải chờ kết quả xác minh.

Qua  thống kê của ngành chức năng, Bình Thuận còn 18 hồ sơ tồn đọng, trong đó có 15 hồ sơ đề nghị công nhận thương binh, 3 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ. Đây là trăn trở của các cấp, các ngành; là mong mỏi được công nhận không chỉ của người làm hồ sơ mà còn là tâm nguyện của gia đình, đồng chí, đồng đội, chính quyền địa phương. Vì hầu hết những người làm hồ sơ đề nghị công nhận thương binh nay tuổi đã cao, điều kiện gia đình người đề nghị công nhận liệt sĩ khó khăn, nếu không có sự chủ động, tận tâm cán bộ làm công tác chính sách, của ngành chức năng thì những hồ sơ trên sẽ tiếp tục tồn đọng.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ CHQS tỉnh mới đây, ông Huỳnh Văn Tí - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo và gợi mở nhiều vấn đề quan trọng. Thứ trưởng cho rằng: Tận tâm tận lực giải quyết hồ sơ cho người có công không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện sự tri ân của chúng ta. Bởi nếu không có sự hy sinh, mất mát to lớn của họ sẽ không có cuộc sống chúng ta ngày hôm nay. Vì thế phải đọc kỹ từng hồ sơ, đến gặp gỡ từng trường hợp để nắm bắt thêm thông tin, linh động trong giải quyết. “Hoàn cảnh gia đình người đề nghị đa phần khó khăn, nếu yêu cầu họ về lại đơn vị cũ để xác minh sẽ vô tình tạo thêm gánh nặng, vì vậy tỉnh phải chủ động liên hệ với ngành chức năng, địa phương khác để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ. Khi phát hiện có tình tiết giá trị có lợi cho người đề nghị phải khẩn trương tổ chức xác minh; khi công nhận phải thấu tình đạt lý, đảm bảo nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân, đồng đội, chính quyền địa phương” - ông Huỳnh Văn Tí nhấn mạnh.

Lê Phúc


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải quyết hồ sơ công nhận thương binh, liệt sĩ: Cần sự chủ động, tận tâm