Nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ

01/08/2016, 08:21

BT- Dù tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và chỉ đạo quyết liệt công tác đánh giá cán bộ (ĐGCB), nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ này ở một số ngành, địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu…

Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Tổng số cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) hưởng lương từ ngân sách nhà nước từ cấp huyện trở lên thuộc địa phương quản lý có gần 25.500 người. Trong đó, cán bộ cấp huyện 18.400 người, cấp tỉnh 7.000 người; cán bộ có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chiếm 56% .

Nhằm giúp cho việc quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng và kỷ luật được chính xác, từ năm 2010 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành 17 văn bản quy định, chỉ đạo, hướng dẫn ĐGCB. Theo đó, việc đánh giá được phân theo 4 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ; hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao nhưng còn hạn chế một số mặt; không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.

Theo quy định, quá trình nhận xét được thực hiện theo quy trình kiểm điểm tập thể trước, cá nhân sau, cấp trên trước, cấp dưới sau; mỗi ưu điểm, thành tích hoặc khuyết điểm, yếu kém phải có địa chỉ thuộc tập thể hoặc cá nhân cụ thể để tránh chung chung, làm lướt. Nếu tập thể, cá nhân có vấn đề nổi cộm, dư luận quan tâm liên quan đến việc lãnh đạo, điều hành hoặc về phẩm chất, đạo đức thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm sâu về vấn đề đó. Hàng năm, các cấp ủy thường xuyên tiến hành rà soát, bổ sung tiêu chí đánh giá nhận xét cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nhờ vậy, đã tạo thuận lợi cho công tác ĐGCB trên địa bàn tỉnh tiếp tục đi vào nền nếp, cơ bản đáp ứng nguyên tắc tập trung dân chủ; nội dung đánh giá từng bước sát người, sát việc, tạo được sự đồng thuận trong nội bộ, được dư luận đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành và địa phương, việc nhận xét, ĐGCB có mặt chưa phản ánh đúng thực chất, chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu gắn với hiệu quả công vụ, một số nội dung đánh giá còn mang định tính, chưa được lượng hóa cụ thể. Vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm khi ĐGCB, thậm chí có nơi chưa bám sát nội dung đánh giá và tiêu chí phân loại theo quy định.

Đồng chí Huỳnh Thanh Cảnh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, nguyên nhân của những hạn chế trên xuất phát từ tinh thần trách nhiệm trong tự phê bình và phê bình của một số cấp ủy, tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu và một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo chưa cao. Hơn nữa quy trình, nội dung đánh giá, phân loại cán bộ vẫn có điểm chưa phù hợp. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: ĐGCB là công việc khó, nhưng cũng là khâu hết sức quan trọng vì có liên quan đến tất cả các khâu trong công tác cán bộ. Vì vậy,  khi ĐGCB phải bảo đảm đúng thực chất, phù hợp với tình hình cụ thể của tỉnh và quy định của Trung ương. Do đó, từng cấp ủy, tổ chức Đảng, đơn vị, địa phương phải rà soát, bổ sung quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; có cơ chế, nội dung giao nhiệm vụ sao cho sát người, sát việc; hoàn thiện tiêu chí, quy trình về phân công, phân cấp nhận xét, phân loại cán bộ. Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong Đảng, trong nội bộ gắn với trách nhiệm người đứng đầu và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.

T.THÀNH


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ