Hy vọng thoát nghèo

13/07/2016, 11:04

BT- Con đường dẫn vào nhà chị Cúc, anh Hiền (thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc) vỏn vẹn chỉ có 1m ngang. Con đường ấy quanh co, gập ghềnh như cuộc đời của đôi vợ chồng này.

                
Gói mì tôm mà người hàng xóm cho cũng khiến    chị cười vui vẻ.

Cái nghèo đeo bám

Từ khi lấy nhau, vợ chồng chị Cúc đã làm nhiều nghề để có thể sinh sống trên vùng đất Bình Thuận đầy nắng và gió. Đập vào mắt của tôi khi nhìn thấy ngôi nhà chị không có cửa chính. Còn cửa sổ là những miếng gỗ, miếng tôn rỉ sét che chắn tạm bợ. Mỗi lần mưa đến thì cả nhà phải chạy đến nhà hàng xóm trú, còn không là phải ngồi đỡ một góc nào đó không bị dột, chị kể mà giọng chị nghèn nghẹn. Cả gia đình chị chỉ sống nhờ vào nghề thu mua ve chai, cả ngày dài rong ruổi hàng chục cây số, thu nhập trung bình kiếm được khoảng 150 ngàn đồng.

Nếp nhăn cứ chen chúc nhau trên khuôn mặt khắc khổ của chị, đôi mắt ươn ướt chị nói: Nếu chồng tôi không bệnh thì gia đình cũng không đến mức này. Mỗi ngày biết bao nhiêu thứ phải lo từ điện, nước, sinh hoạt hằng ngày cho đến tiền học phí... lo còn không nổi, lấy đâu mà chữa bệnh cho chồng.

Chị Trinh (hàng xóm) cho biết: “Có khi nhà chị Cúc không còn lấy một hạt gạo để ăn, tôi đành mang qua cho một ít, thấy hoàn cảnh ấy ai mà không xót”.

Trong căn nhà ấy thứ quý giá nhất chính là chiếc tủ lạnh khi anh Hiền còn khỏe, buôn bán nhỏ mua lại nhưng giờ lại là thứ vô cùng xa xỉ. “Tiền đong gạo còn không có lấy đâu ra mà bỏ đồ vào tủ lạnh, vì vậy muốn bán để lấy tiền chữa bệnh mà cũng chưa tìm được ai mua”- Anh Hiền chia sẻ.

Nghèo khổ là thế nhưng chị chưa bao giờ than vãn, trách móc… chị cho rằng: nhìn lên mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống có người còn nghèo khổ, cùng cực gấp trăm lần mình”.

 “Còn nước còn tát”

Chị tâm sự rằng: “Sống phải có cái nhà, chết phải có cái mồ”, chính vì lý do này mà chị đã đánh liều vay tiền ở nhiều nguồn khác nhau mua ngôi nhà với giá 100 triệu đồng nhưng đến giờ vẫn chỉ trả được một nửa. “Tôi chỉ cần có sức khỏe để kiếm tiền trả nợ. Còn nước thì còn tát, gia đình ăn cơm mắm cơm muối, khổ cỡ nào cũng chịu được. Tôi sẽ cố gắng trả hết nợ trong vòng 5 năm để có thể tu chí làm ăn thoát khỏi cái nghèo”.

Chị Thủy (người bán ve chai) cho biết: Trời nắng như đổ lửa mà bé Nhung (con gái của chị Cúc) thồ trên chiếc xe đạp không biết bao nhiêu là thứ, có khi chỉ thấy chiếc xe di chuyển mà không thấy con bé đâu. Ngồi nói chuyện với bé Nhung, em nói: “Nhiều khi đi với mẹ giữa trưa nắng, em mệt lắm nhưng vì thấy nhà mình nghèo lại thương mẹ nên em chỉ biết tiếp tục cố gắng đi theo để đỡ đần cho mẹ”.

Bị căn bệnh thoát vị đĩa đệm đeo bám, không làm được việc nặng, anh Hiền (chồng chị Cúc) chỉ ra vào trông nom nhà cửa, trồng vài luống rau, nuôi vài con gà để có thêm thu nhập. Mọi gánh nặng trong gia đình đều đổ dồn lên đôi vai yếu ớt của chị, nhưng chị chẳng than phiền mà chỉ lẳng lặng gánh chịu một mình, rồi lấy nụ cười để che đi những khó khăn.

Dù nghèo khổ là thế, nhưng sự quyết tâm cao độ muốn trả nợ của chị cũng như nghị lực vươn lên trong con người chị càng làm tôi nể phục chị hơn.

Ngọc Quỳnh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hy vọng thoát nghèo