Nhà hát ca múa nhạc biển  xanh: Khi nghệ sĩ không phải lo chuyện ngày mai

29/07/2016, 10:16

BT- Nhắc đến Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh là nhắc đến một đơn vị nghệ thuật cấp tỉnh có nhiều thành công không chỉ ở địa phương mà còn trên phạm vi cả nước.

                
Một tiết mục múa của anh chị em nghệ sĩ Nhà    hát ca múa nhạc Biển Xanh. Ảnh: Đình Hòa

Giờ nào việc ấy

10 giờ sáng của một ngày cuối tháng 7, tôi đến Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh (phường Phú Thủy, Phan Thiết) để gặp anh Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc. Ở quán cà phê sát bên nhà hát lúc này có khoảng 10 người cả nam và nữ. Có người ngồi may cái gì đó, có người ngồi bấm điện thoại và cũng có người nhìn xa xa như nghĩ ngợi gì. “Xem ra nghệ sĩ cũng thoải mái về giờ giấc”, tôi nghĩ và nói với anh Nguyễn Văn Hiệp điều đó. “10 giờ ngày hôm nay là giờ tự do của anh em. Khoảng thời gian này, anh em được làm những gì mình thích. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng là giờ tự do, ở Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh cũng có những giờ “giới nghiêm” mọi người ngồi lại bên nhau. 7 giờ 45 hằng ngày là giờ đọc báo của nhà hát. Ngoài giờ đọc báo thì giờ luyện tập của đoàn, các thành viên cũng không được vắng mặt. “Nghệ thuật không như những ngành khác, thiếu một người là khó hoàn thành. Do đó, mọi người phải có mặt đầy đủ để nhận vai, ghép nhạc. Qua những buổi tập, lãnh đạo cơ quan cũng đánh giá được khả năng của từng người để có hướng uốn nắn, đào tạo tiếp theo”, anh Hiệp cho biết.

Ngoài chuyện giờ giấc làm việc thì chuyện “chạy show” của anh chị em nghệ sĩ trong nhà hát cũng được quản lý một cách khoa học. Với những show, chương trình không chính quy, nghệ sĩ được tự do nhận. Nhưng với những chương trình được tổ chức bài bản thì phải báo cáo Ban Giám đốc biết, bởi như anh Hiệp nói: “Khi tham gia những chương trình này anh em không chỉ hoạt động với tư cách cá nhân mà còn đại diện cho uy tín của cả cơ quan. Một sự sơ sẩy không đáng có cũng làm ảnh hưởng đến nhà hát”.

 Đầu tư cho tương lai

Một đặc thù của nghệ sĩ biểu diễn là tuổi nghề rất ngắn. Khoảng 40 tuổi, các nghệ sĩ biểu diễn đã ít đứng trên sân khấu. Với những nghệ sĩ múa, tuổi nghề còn ít hơn. Đây gần như là quy luật trong giới nghệ sĩ biểu diễn. Hiểu được nỗi lo của anh chị em nghệ sĩ, Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh đã hướng tới việc đào tạo nghề một cách chuyên sâu cho nghệ sĩ với hy vọng, rời sân khấu chuyên nghiệp, họ vẫn sống được với những gì gắn bó nhiều năm. Đơn cử, mới đây, nhà hát đã gửi 4 người vào Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh để học chuyên ngành âm nhạc. Hay đầu năm 2016, nhà hát đã tổ chức lễ tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm âm nhạc cho 16 người thuộc nhà hát.

Việc đào tạo chuyên ngành từng lớp nghệ sĩ của nhà hát là nét riêng có, nếu tính trong các đoàn nghệ thuật cấp tỉnh của cả nước. Khoảng năm 1997, đoàn đã cử người đi học. Từ năm 2005 trở lại đây, Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh đã xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng năm. Nếu xét thấy có nhiều người tham gia học thì nhà hát sẽ liên hệ với Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh mở lớp tại Bình Thuận. Sau khi qua đào tạo, có người ở lại tiếp tục làm ở nhà hát, có người được giới thiệu về Trung tâm văn hóa của các huyện, cũng có người từ vốn kiến thức đã học ra làm riêng, tham gia hoạt động quảng bá du lịch. Từ những lớp đào tạo như vậy, không ít nghệ sĩ ở Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh đã thành danh. Hiếm có một đoàn nghệ thuật cấp tỉnh nào mà có đến 2 nghệ sĩ nhân dân và 3 nghệ sĩ ưu tú. 

Có thể nói từ sự nhiệt huyết, cách đào tạo, quản lý bài bản, Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh đã tạo nên được một tập thể nghệ sĩ gắn kết, hết lòng với nghệ thuật, với  nơi mình làm việc, từ đó tạo nên những thành công của nhà hát không những hôm nay mà còn lâu dài.

Nguyễn Luân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà hát ca múa nhạc biển  xanh: Khi nghệ sĩ không phải lo chuyện ngày mai