Chung tay gỡ khó 

12/07/2016, 08:26

BT- Với 4.590 doanh nghiệp đăng ký thành lập,  Bình Thuận có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên do tình hình kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, cùng với những hạn chế nội tại của doanh nghiệp nên hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua là khá “chật vật”. Hiện có khoảng 37% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ; tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn rất thấp và liên tục giảm. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có 70 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 41 doanh nghiệp giải thể. Đáng chú ý là trong số 4.590 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thì số doanh nghiệp chưa đưa vào hoạt động chiếm trên 32% (1.477 doanh nghiệp) với nhiều lý do khác nhau.

Mặc dù Chính phủ và tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng hầu hết doanh nghiệp vẫn đang gặp khó về tiêu thụ sản phẩm, khả năng tiếp cận và hấp thu vốn của doanh nghiệp thấp. Trong khi đó hầu hết doanh nghiệp của tỉnh đều có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, thiếu chuyên nghiệp, chưa có chiến lược dài hạn, đầu tư dàn trải lại thiếu nghiên cứu thị trường, quản trị yếu kém… là những nguyên nhân khiến cho nhiều doanh nghiệp của tỉnh vẫn còn khá chật vật trong bài toán phát triển.

Vấn đề cần làm hiện nay là phải tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp. Chính quyền tỉnh, huyện phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Định kỳ hàng quý cần phải tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp để nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn. Quán triệt đến từng cán bộ công chức về cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, chuyển mạnh mẽ sang tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Về cơ chế chính sách, một mặt thực hiện tốt nhất các quy định, cơ chế chính sách của Trung ương, mặt khác cần nghiên cứu vận dụng linh hoạt, kịp thời vào tình hình thực tế của địa phương, trong đó hết sức chú ý các chính sách về xã hội hóa, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, về giá đất. Bên cạnh việc kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tiếp cận tiếp cận thông tin, tìm kiếm thị trường, đồng thời cần có những đột phá trong giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch và giá cả phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Gần đây, Nhà nước ta đã kết thúc đàm phán và triển khai nhiều hiệp định tự do thương mại như Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh châu Âu, Việt Nam với Liên minh thuế quan Nga – Belarus - Kazakhstan, Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương - TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015-AEC…đã và sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, dệt may và nông sản của tỉnh mở rộng sản xuất, tiêu thụ và cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trên thị trường khu vực và thế giới.

Trước những cơ hội và thách thức đó,  các doanh nghiệp của tỉnh cần tận dụng tối đa các cơ hội. Bản bản thân doanh nghiệp cần phải chủ động vươn lên, không thụ động trông chờ, phải khẩn trương dốc toàn bộ nguồn lực để đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh. Bản thân từng doanh nghiệp phải tự đánh giá lại từng mặt mạnh, yếu của mình; những thành công, thất bại, những kinh nghiệm đã được rút ra; tìm hiểu những vấn đề đang diễn biến trên thế giới, nhất là những nội dung mới của các hiệp định đã ký, những chính sách đã và sẽ ban hành để tự xác định, xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó có thể khai thác một cách tối đa những hệ thống chính sách, diễn biến tình hình mới để phát huy những mặt đã đạt được và khắc phục những tồn tại, yếu kém để hội nhập và phát triển.

Hồng Lê


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chung tay gỡ khó