Lấn chiếm đất lâm nghiệp: Lấn cấn giải pháp xử lý

19/07/2016, 08:33

BT- Chuyển biến nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh là tổng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm mạnh. Tuy nhiên, tình hình phá rừng trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn diễn biến phức tạp.

                
Công trình xây dựng trái phép trên đất rừng    phòng hộ Cà Giây.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tính đến cuối tháng 6, lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên toàn tỉnh đã phát hiện lập hồ sơ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 344 vụ, giảm 134 vụ so với cùng kỳ 2015. Đa số các hành vi vi phạm đều giảm số vụ như: mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép giảm 110 vụ,  khai thác gỗ và lâm sản giảm 27 vụ, chế biến gỗ và lâm sản giảm 2 vụ, truy quét, kiểm tra vắng chủ giảm 3 vụ. Các hành vi vi phạm khác như quản lý động vật hoang dã, PCCCR tăng không đáng kể. Riêng vi phạm về phá rừng trái phép tăng 6 vụ/1,66ha.

Mặc dù số vụ vi phạm và khối lượng lâm sản tịch thu giảm, các “điểm nóng” phá rừng trên địa bàn tỉnh được ngăn chặn, tuy nhiên số vụ khởi tố hình sự liên quan đến xâm lấn rừng tự nhiên để mở rộng diện tích sản xuất vẫn lấn cấn giải pháp xử lý nên kéo dài. Trong tổng số 30 vụ/24,29ha lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép toàn tỉnh 6 tháng qua, huyện Bắc Bình có đến 20 vụ/21,346 ha. Trong đó, có đến 17 trường hợp/11,729 ha xảy ra trên lâm phận Ban QLRPH Cà Giây đang được các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh quy chủ để xử lý. Đặc biệt, trường hợp xây dựng biệt thự trên đất rừng phòng hộ thuộc lâm phận Ban QLRPH Cà Giây. Theo UBND huyện Bắc Bình cho biết, đến nay UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, xác lập hồ sơ vi phạm với đối tượng lấn chiếm và xây dựng biệt thự trái pháp luật là ông Nguyễn Hy (ngụ tại 1A/2 - Mê Linh, phường 9, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Tổng diện tích đất ông Hy đang lấn chiếm, sử dụng trái pháp luật qua đo đạc hiện trạng là 14,022 ha, gồm cà phê trồng xen muồng đen 12,3532 ha, hồ chứa nước 1,5 ha... Tuy nhiên, do ông Hy không chịu ký biên bản vi phạm vì theo ông trình bày thì số diện tích đất nói trên là do ông mua lại từ năm 1992 trở về trước (nộp bản phô tô) chứ không phải tự khai phá. Do chưa đủ chứng cứ để xem xét xử lý, UBND huyện đang củng cố thêm hồ sơ làm cơ sở đề xuất hình thức xử lý cho phù hợp với quy định. Ngoài ra, lấn chiếm đất lâm nghiệp còn xảy ra Hàm Thuận Bắc 8 vụ/2,839 ha, Đức Linh 2 vụ/0,108ha. Tại huyện Tánh Linh, công tác kiểm tra, xử lý thu hồi đất lấn chiếm thuộc lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông xử lý vẫn chưa dứt điểm…

Bên cạnh đó, tình hình phá rừng vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh trong 6 tháng qua vẫn còn diễn biến phức tạp. Nổi lên là tình hình khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại vùng giáp ranh giữa huyện Bắc Bình với huyện Đức Trọng và huyện Di Linh. Các lực lượng bảo vệ rừng toàn tỉnh tổ chức 293 đợt kiểm tra, truy quét vùng giáp ranh giữa Bình Thuận và Lâm Đồng phát hiện là 24/344 vụ vi phạm. Trong đó, chủ yếu là khai thác rừng trái phép, thu gom lâm sản vắng chủ (vi phạm khác). Đồng thời, tịch thu 112,304 m3 gỗ tròn và 15,419 m3 gỗ xẻ các loại, 5 gốc gỗ hương, 1 ster củi, 16 cưa máy, 1 xe máy cày, 1 rơ mooc.

Tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm xây dựng biệt thự trên đất rừng phòng hộ thuộc lâm phận Ban QLRPH Cà Giây trước ngày 25/7 báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời, chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý ngăn chặn tình hình phá rừng nổi lên tại Ban QLRPH Sông Lũy, Ban QLRPH Cà Giây… không để diễn biến phức tạp, kéo dài.

Thanh Duyên


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấn chiếm đất lâm nghiệp: Lấn cấn giải pháp xử lý