Bạn thuyền nay về đâu ?

13/07/2016, 11:07

BT- Những năm gần đây, ngư dân luôn than khó bởi nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt, việc đánh bắt không thuận lợi như trước, nhiều chuyến biển bị lỗ nên thu nhập của bạn thuyền ngày càng teo tóp, thậm chí còn bị nợ. Do đó không ít người đã bỏ biển, chuyển sang làm nghề bờ. Hiện nay số bạn thuyền còn gắn bó với nghề phần lớn là những người lớn tuổi, trình độ học vấn thấp, không tìm được việc trên bờ. Riêng thanh niên theo nghề biển thật sự hiếm.

                
Ảnh minh họa: Đ.H

Chính ngày càng có nhiều bạn thuyền bỏ nghề dẫn đến thiếu hụt trầm trọng lao động biển. Ông Nguyễn Hùng Hoàng - Phó Chủ tịch phường Bình Hưng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá chia sẻ: “Đang mùa cá nam nhưng nhiều tàu thuyền vẫn nằm bờ do không tìm được bạn. Những tàu đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến ra khơi cần 10 - 15 bạn thuyền, tuy nhiên, chủ tàu chạy vạy khắp nơi vẫn không tìm đủ quân số. Tình trạng thiếu bạn thuyền đang là vấn đề rất nan giải”. Bình Hưng từng là phường nằm trong “top ten” có đội ngũ tàu thuyền nhiều nhất thành phố, nhưng nay đã “rớt hạng” vì nhiều ngư dân đã “xẻ thịt” tàu thuyền lên bờ kiếm sống. Hiện toàn phường chỉ còn 48 chiếc/ trên 7.500 CV, trong đó chỉ có 15 - 20 tàu công suất lớn trên 300 CV. Tìm lao động đã khó, lao động có tay nghề càng khó gấp bội. Nhiều ngư dân lâu năm cho hay, thường thì chỉ thuyền trưởng, máy trưởng và một vài thuyền viên có kinh nghiệm là gắn bó lâu dài với chủ tàu. Số thuyền viên còn lại thường xuyên biến động. Nếu trước đây chủ yếu dựa vào lao động tại chỗ, thì nay các chủ tàu ngược xuôi từ Trung ra Bắc, thậm chí xuống tận miền Tây mà vẫn không tìm đủ thuyền viên cho chuyến biển. Nỗi lo lớn nhất của các chủ tàu bây giờ không chỉ là đánh bắt có được hay không, mà còn làm sao kiếm đủ thuyền viên cho mỗi chuyến biển.

Quan niệm của người dân vùng xã bãi ngang “đàn ông đi biển, đàn bà vá lưới” dường như không còn thịnh trong thời buổi này. Thanh niên con nhà biển không còn kiểu “cha truyền con nối”, bởi hầu hết ngư dân đều hướng con mình “lên bờ”, vì họ không muốn con mình khó khăn, vất vả và nghề biển không còn “hot” như trước đây. Điều đáng chú ý là do khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có kinh nghiệm đi biển nên đa số các chủ tàu chỉ khai thác gần bờ. Vì thế, tổng sản lượng có tới 70% sản lượng là khai thác ven bờ nên cho giá trị kinh tế thấp. Không chỉ vậy, tàu cá nằm bờ, nguồn khai thác khan hiếm, khiến giá cả thị trường thủy sản biến động từng ngày. Tuy hàng năm có hàng nghìn sinh viên Trường Đại học Hàng hải tốt nghiệp ra trường, nhưng theo báo cáo thống kê sơ bộ của trường chỉ có 40% sinh viên theo học các chuyên ngành liên quan tới vận tải, điều khiển, khai thác, quản lý biển… sẵn sàng xuống tàu ra khơi, số còn lại làm trái nghề. Đây là sự lãng phí lớn trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Để thực hiện mục tiêu chương trình khai thác thủy sản xa bờ cần giải quyết tình trạng thiếu lao động biển, đồng nghĩa phải giải quyết bài toán hiệu quả nghề cá. Các chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực như: cho vay vốn, có đầu mối (nhà máy, doanh nghiệp uy tín) đứng ra thu mua sản phẩm đánh bắt đảm bảo thu nhập cho người lao động… mới giữ được họ gắn bó với nghề. Hiện nay đánh bắt hải sản không đơn giản chỉ là một nghề để kiếm tiền mà sự có mặt đều đặn của các ngư dân sẵn sàng vươn khơi trên ngư trường còn góp phần to lớn trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Minh Vân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạn thuyền nay về đâu ?