Phát triển công nghiệp - TTCN: Mong muốn khó song hành thực tế

18/08/2016, 09:58

BT - Từ đầu tháng 8/2016 đến nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Hải liên tiếp chủ trì hai cuộc họp với các sở, ngành, địa phương để cùng góp ý dự thảo nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Dự thảo được tỉnh giao Sở Công Thương tham mưu có nội dung chuẩn bị khá chu đáo và chi tiết, dù vậy những mong muốn về ngành “đầu tàu” kinh tế của địa phương trong giai đoạn tới xem ra khó song hành thực tế…

Các KCN trên địa bàn Bình Thuận còn gặp khó trong kêu gọi thu hút lấp đầy dự án.

Kỳ vọng giai đoạn mới

Theo dự thảo nghị quyết này, mục tiêu mà địa phương phấn đấu là đến năm 2020 sẽ triển khai đầu tư cơ bản về kết cấu hạ tầng giao thông, các khu - cụm công nghiệp làm nền tảng cho phát triển công nghiệp - TTCN. Ngoài vươn tới trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia, Bình Thuận cũng sẽ chuẩn bị các điều kiện để từng bước hình thành trung tâm chế biến sâu quặng sa khoáng titan. Bên cạnh đó còn cơ cấu lại nội bộ ngành theo hướng tăng giá trị gia tăng sản phẩm công nghiệp, ưu tiên đẩy mạnh công nghiệp chế biến và tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, đưa tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 41,5% vào năm 2025.

Đối với các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2016 - 2020, dự thảo cũng đề ra giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN (giá so sánh năm 2010) tăng bình quân 13,5 - 14%/năm. Riêng với chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp trong vài năm tới thì phấn đấu thực hiện chạm mốc vượt hơn 300 triệu USD, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2016 - 2020 là 5,3%/năm. Tiếp đó giai đoạn 2020 - 2025, dự thảo đề ra giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN mỗi năm tăng bình quân từ 18 - 18,5%, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 11,6% và thực hiện 470 triệu USD vào năm 2025…

Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, tất nhiên việc đầu tư kết cấu hạng tầng, xây dựng các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư phải được quan tâm xứng tầm. Theo đó Bình Thuận sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay Phan Thiết, kết cấu hạ tầng về điện nước, giao thông, bưu chính viễn thông nhằm phục vụ phát triển công nghiệp - TTCN… Mong muốn từ nay đến năm 2020, bên cạnh xây dựng hạ tầng thiết yếu các khu công nghiệp Phan Thiết 2, Hàm Kiệm I, Hàm Kiệm II, Sông Bình, Tuy Phong, Sơn Mỹ I thì địa phương còn triển khai đầu tư hạ tầng đạt 70 - 80% đối với khu công nghiệp Sơn Mỹ II, Tân Đức. Cùng thời gian này sẽ thu hút nhà đầu tư lấp đầy 100% diện tích cho thuê trong khu công nghiệp Phan Thiết 2, Hàm Kiệm I và Hàm Kiệm II, riêng các khu công nghiệp còn lại phấn đấu lấp đầy 50% diện tích cho thuê, ở mỗi huyện đều có 1 - 2 cụm công nghiệp lấp đầy diện tích vào năm 2020.

Nên nhìn vào thực tế

Những mong muốn thể hiện qua dự thảo nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về phát triển công nghiệp - TTCN Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 là đáng ghi nhận. Tuy nhiên ý kiến của đại diện lãnh đạo nhiều sở, ngành, đơn vị liên quan cho rằng việc đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn mới nên nhìn vào tình hình, điều kiện thực tế ở địa phương. Bởi trên lĩnh vực phát triển công nghiệp, Bình Thuận là địa phương có vị trí địa lý kém hấp dẫn nhà đầu tư so với một số tỉnh, thành bạn như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long… Hơn nữa hiện nay, chúng ta vẫn chưa có sân bay, đường cao tốc, cảng xuất hàng hóa và nhất là yếu tố nguồn lao động dồi dào với tiền công thấp không còn mang tính cạnh tranh quyết định.

 Thực tế cũng cho thấy trong thời gian qua, sự kỳ vọng công nghiệp địa phương tăng trưởng đột phá dựa vào Cảng Kê Gà (Hàm Thuận Nam) đã tan biến kể từ khi dự án chấm dứt. Gần đây, tiềm năng sa khoáng titan trên địa bàn được tung hô với vị trí số 1 Việt Nam và là sản phẩm lợi thế nhất của ngành công nghiệp tỉnh nhà cũng nhanh chóng trở lại mặt đất, vì giá tiêu thụ trên thị trường thế giới lao dốc thê thảm. Với việc mong chờ đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sớm hoàn thành, ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở Giao thông  Vận tải Bình Thuận vừa thông tin đến năm 2020 chỉ đầu tư đoạn Dầu Giây - Xuân Lộc, còn đoạn từ Xuân Lộc - Phan Thiết dự kiến phải từ năm 2021 trở đi mới được thực hiện…

Một thực tế nữa, cần nhìn nhận kết quả thực hiện phát triển công nghiệp - TTCN trong giai đoạn 2010 - 2015 với giá trị sản xuất công nghiệp tại địa phương chỉ tăng bình quân 10,2%/năm so mục tiêu 22%/năm. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh ở giai đoạn vừa qua cũng chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân 10,6%/năm, kém xa mục tiêu đề ra từ 14 - 15%/năm. Riêng với chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ triển khai đầu tư hạ tầng đạt 70 - 80%, đồng thời lấp đầy 50% diện tích cho thuê đối với khu công nghiệp Sơn Mỹ II, Tân Đức là không khả thi. Thế nên, ban ngành chức năng khi tham mưu dự thảo nghị quyết để UBND tỉnh thông qua và trình Tỉnh ủy thì cần xem lại tình hình, điều kiện thực tế và những khó khăn, vướng mắc của địa phương. Nếu mong muốn chưa song hàng thực tế, có thể các chỉ tiêu cơ bản rất khó thực hiện đạt yêu cầu, trong khi chúng ta không đề ra mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá mà phải gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

QUỐC TÍN


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển công nghiệp - TTCN: Mong muốn khó song hành thực tế