Vay không thế chấp, hay tín dụng đen?

24/08/2016, 08:46

BT- Thời gian gần đây xuất hiện các tổ chức tín dụng “vay không thế chấp”, “không thế chấp, nhận tiền ngay”, có công ty tư nhân, nhưng cũng có những công ty con của một số ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP. Phan Thiết. Nhiều người lao động, buôn bán nhỏ rất dễ sập bẫy và phải chấp nhận mức lãi suất trên trời. Đáng nói là lãi suất của các công ty tài chính tăng nhanh, tăng cao và tăng bất chấp. Trong hợp đồng tín dụng chỉ vì cụm từ “lãi suất từ... đến...” dẫn đến không ít người đã ngậm đắng nuốt cay.

Bẫy dễ sập

Trong vai một người đang cần gấp 30 triệu đồng để xoay xở làm ăn, tôi nhờ chị bạn giới thiệu gặp nhân viên của công ty tài chính trực thuộc ngân hàng A trên đường Trần Hưng Đạo. Thực tế, danh nghĩa vẫn là của ngân hàng nhưng việc cho vay theo hình thức không thế chấp này lại là đơn vị trực thuộc ngân hàng và những nhân viên “tín dụng” này cũng chỉ là lực lượng lao động nhàn rỗi. Theo lời giới thiệu của chị T, tôi tiếp cận với H khoảng hơn 25 tuổi. H mở lời với tôi: “Thủ tục đơn giản lắm anh như chỉ cần bảng lương và chứng minh nhân dân, anh muốn vay bao nhiêu?”. Tôi nói chỉ cần khoảng 30 triệu đồng, H hẹn tôi ngày mai quay lại ký hợp đồng.

Như đã hẹn, tôi đến nhà H để ký hợp đồng. Sau khi đọc hợp đồng, tôi tá hỏa khi bản hợp đồng được in sẵn với chi chít những điều khoản nhỏ xíu, ngay cả phần lãi suất cũng khá đánh đu với người vay “1,75 - gần 5%/tháng”. Tôi viện cớ để về suy nghĩ rồi báo lại. Tôi đem thông tin tìm hiểu những người bạn trong ngành ngân hàng, mới biết hiện nay nhiều người sập bẫy vì trò này.

Chị T ở Phú Trinh - người đã từng rơi vào bẫy như thế kể lại: Giữa năm 2014, chồng chị vay 35 triệu đồng để làm vốn mở quán cà phê, nhân viên tư vấn lãi suất từ 1,75 - 3,75%/tháng và hứa sẽ được hưởng mức lãi suất thấp nhất. Hồ sơ vay cũng để trống mục lãi suất với lý do “sẽ thông báo sau”. Khi chị T nhận tiền, chị vẫn chưa được thông báo lãi suất là bao nhiêu. 7 tháng sau, hai vợ chồng có ý định tất toán khoản vay và lúc này mới hay mức lãi suất 3,75%/ tháng (tương đương 45%/ năm). Lúc đó chưa có khả năng trả toàn bộ số tiền nên chị T tiếp tục vay thêm đến tháng thứ 10. Nghĩa là thêm 3 tháng nữa, hết 3 tháng tích cóp từ nhiều nguồn, chị T trả được phần gốc còn lại là phần lãi hơn 18,7 triệu đồng, công ty yêu cầu muốn tất toán thì thanh toán 34,6 triệu đồng. Chị T chua chát: “Tôi tởn tới già, không dám vay nhanh không thế chấp nữa”.

 Tín dụng đen núp bóng ngân hàng

Thực tế, các tổ chức tín dụng đang hoạt động công khai núp bóng ngân hàng, chẳng khác tín dụng đen. Nếu xét về lãi suất, cụm từ “lãi suất từ… đến...” là cách để người vay lọt vào vòng lẩn quẩn, trả khoản lãi quá lớn. Theo các ngân hàng thương mại cổ phần có uy tín như hiện nay như Sacombank, Liên Việt, BIDV... đều không áp dụng hình thức này. Tại Sacombank, còn nghiêm cấm tất cả các nhân viên, lợi dụng danh nghĩa để làm dịch vụ này hoặc môi giới.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia tài chính phân tích: “Đã có thời điểm thị trường đặt vấn đề về việc áp mức lãi suất cho vay trần đối với lĩnh vực tiêu dùng để tránh lãi suất cho vay quá cao. Theo tôi không nên có bất cứ một biện pháp hành chính nào về lãi suất mà phía cơ quan chức năng cần xem xét đến việc cấp phép thành lập công ty cho vay tài chính hiện nay có quá khó hay không. Khi thị trường có ít công ty vì việc thành lập quá khó thì sự bắt tay về lãi suất cũng có thể xảy ra. Nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực này sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh về lãi suất”. Tuy nhiên, với lãi suất cho vay quá cao, tới 100%, thậm chí vài trăm phần trăm một năm thì đây chính là hình thức tín dụng đen núp bóng, làm ảnh hưởng đến thị trường cho vay tiêu dùng và gây bất ổn cho xã hội nói chung, khi nhiều người vay không trả được do lãi suất quá cao, dẫn đến đòi nợ, khiếu kiện. Chưa hết, hiện một số tổ chức tín dụng còn sử dụng lực lượng đòi nợ thuê từ các địa phương khác đến. Lực lượng này chỉ có nhiệm vụ duy nhất tập trung tại quán cà phê và điện thoại đòi nợ khách hàng, thậm chí cho người liên tục “dí” khách hàng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Quang Nhân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vay không thế chấp, hay tín dụng đen?