Học đại học thế nào để dễ kiếm việc làm?

24/08/2016, 09:08

BT- Trung bình mỗi năm Bình Thuận có hơn 10.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, trong số đó có khoảng 60% đỗ vào các trường đại học - cao đẳng. Nhiều phụ huynh luôn canh cánh một nỗi lo rằng sau khi tốt nghiệp đại học, không biết con mình có được một công việc ổn định hay không, bởi theo họ giữa đào tạo và nhu cầu thực tế hiện nay chưa có “tiếng nói chung”. Vậy sinh viên cần đầu tư như thế nào trong những năm học đại học để sau này có được một công việc tốt, khi thị trường lao động luôn có sự cạnh tranh gay gắt?

Phải có định hướng tốt

Khi chọn ngành nghề xét tuyển vào các trường đại học, các em cần chọn sao cho phù hợp với khả năng cũng như niềm đam mê của mình. Ngoài ra, điều quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của các em cho chuyên ngành mình đã chọn, không chỉ giỏi kiến thức chuyên môn mà cần cả sự xâm nhập thực tế để có sự trải nghiệm, tích lũy và dần hoàn thiện mình. Bên cạnh đó, giỏi tiếng Anh cũng là vấn đề quan trọng không kém cho cơ hội tìm việc sau này. Anh Nguyễn Phước (Phan Thiết) có con đang học Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 2 năm đầu, con anh chỉ học những môn căn bản do vậy thời gian rảnh rỗi cũng khá nhiều. Anh khuyên con nên học thêm và đầu tư nhiều vào môn tiếng Anh để sau này ra trường xin việc làm sẽ có lợi thế hơn những người khác.

Theo một cán bộ của Trung tâm tư vấn việc làm tỉnh, để có được việc làm tốt sau khi tốt nghiệp, đòi hỏi sinh viên phải có một tấm bằng đại học thật “chuẩn”, bởi kiến thức mà các bạn thu nhận được từ trường đại học chủ yếu là lý thuyết, nhưng đó lại là điều cơ bản, sinh viên phải nắm vững lý thuyết thì sau này khi đi làm mới có thể thực hành tốt được. Vì vậy, các bạn trẻ hãy để cho nhà tuyển dụng thấy bạn có một tấm bằng đại học với bảng điểm “tuyệt đẹp” để họ có thể yên tâm về kiến thức của bạn. Ngoài ra, nhà tuyển dụng còn đòi hỏi sinh viên có thêm những kỹ năng cần thiết, bởi những người có càng nhiều kỹ năng mềm thì càng làm việc tốt và hiệu quả, các kỹ năng ấy có thể là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng tổ chức công việc hiệu quả, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng sử dụng máy móc công nghệ, kỹ năng truyền đạt thông tin, kỹ năng lập kế hoạch… Những kỹ năng này sẽ giúp các bạn sinh viên mới ra trường gây ấn tượng và thuyết phục được nhà tuyển dụng. Cũng theo vị cán bộ này, hiện nay phần lớn những sinh viên Bình Thuận tốt nghiệp khá giỏi, có năng lực thực sự, có điều kiện, họ đều tìm cho mình một công việc ưng ý tại TP. Hồ Chí Minh.

 Nói đi phải nói lại

Trước thực trạng giáo dục đại học hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần có những phương thức đổi mới để thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp hiệu quả hơn, để từ đó tạo ra những cử nhân đáp ứng nhu cầu thực tế. Bởi theo các doanh nghiệp cho biết, họ luôn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Để việc tuyển dụng hiệu quả, cần đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, hướng tới việc xây dựng một lực lượng lao động có năng lực và kỹ năng thật sự. Một cán bộ ngành GD - ĐT Bình Thuận nhận xét: “Doanh nghiệp chưa tham gia nhiều vào quá trình đào tạo nhân lực nên kiến thức của sinh viên trong nhà trường thường cách xa thực tiễn. Nhà trường đôi khi vẫn cần trả tiền cho doanh nghiệp để sinh viên thực tập thay vì doanh nghiệp trả tiền cho sinh viên như ở nước ngoài”.

Theo bản tin thị trường lao động quý II/2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa công bố, trong quý II/2016, cả nước có 1,088 triệu lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý 1/2016. Trong đó có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên. Liên quan đến giải quyết tình trạng thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ, cần phải có sự kết hợp của các bộ ngành, phải thay đổi nhận thức của thanh niên trước ngưỡng cửa vào giáo dục chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng. Nhất là phải có dự báo để đổi mới kế hoạch hóa giáo dục đào tạo tương ứng với nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó chất lượng đào tạo cũng là vấn đề quan trọng. Chất lượng đào tạo không chỉ được tạo nên từ thương hiệu của nhà trường hoặc hạ tầng của các trường, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào phương thức học của từng sinh viên, chất lượng học của từng cá nhân.

Quang Tuấn


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học đại học thế nào để dễ kiếm việc làm?