Đến với tập tài liệu Văn hóa Bình Thuận

23/08/2016, 09:57

BT- Đầu năm học 2016 - 2017, thực hiện chương trình “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học” (SEQAP), Sở Giáo dục và đào tạo Bình Thuận triển khai tập sách Tài liệu Văn hóa địa phương tỉnh Bình Thuận cho đối tượng là cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học và sinh viên ngành sư phạm trong tỉnh. Đây là một tập tư liệu biên soạn khá công phu, bao gồm các nội dung về địa lý, lịch sử và lĩnh vực văn hóa địa phương Bình Thuận, không thể thiếu trong công tác nghiên cứu, giảng dạy.

Trước đó, tỉnh ta có nhiều ấn phẩm về lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh, của các huyện, thị, ngành và Địa chí Bình Thuận nhưng riêng với tập tư liệu này đã khái lược được những vấn đề, sự kiện, đặc điểm có giá trị văn hóa của địa phương. Ở đó, không những dành cho yêu cầu chuyên môn trong giảng dạy mà còn là sự cần thiết cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về vùng đất, con người Bình Thuận. Dù phải giới hạn trong khuôn khổ chỉ dành cho “phương pháp giảng dạy” nhưng với cách phân bổ các chương, mục và nội dung chuyển tải khá hợp lý. Trong phần Địa lý, tập sách đã cung cấp nhiều tư liệu có cơ sở khoa học và các sự kiện lịch sử phong phú. Có lẽ, phần Văn hóa địa phương dễ tạo cho nhiều đối tượng không hẳn là trong ngành giáo dục mà còn cho cả những người muốn có thêm kiến thức, hiểu biết về quê hương Bình Thuận cũng vô cùng thích thú. Tuy nội dung mang tính tư liệu nhưng cũng tạo được nét chấm phá, đặc thù qua các bài viết về di tích, danh thắng, lễ hội dân gian đặc sắc của địa phương.

Được biết, thực hiện công trình biên soạn “Tư liệu văn hóa địa phương”, Sở Giáo dục và đào tạo Bình Thuận đã thành lập nhóm biên soạn gồm những cán bộ, nhà giáo có quá trình công tác và giàu kinh nghiệm của ngành, cùng với sự tham gia của các ngành chuyên môn của tỉnh góp ý, phản biện. Tuy nhiên, ở chương ngữ văn địa phương, cụ thể về ngôn ngữ, từ ngữ địa phương, trong biên soạn còn hạn chế, khi căn cứ cách phát âm của các huyện, thị để cho là sai với từ phổ thông địa phương? Thực tế Bình Thuận là mảnh đất tụ nghĩa, cư dân gồm các vùng miền nhưng có quá trình hòa nhập cho nên không thể phân chia vùng Tánh Linh, Đức Linh thì có âm giọng thế này, ở các huyện Hàm Tân, Bắc Bình, Phú Quý thì lại khác… Nếu có những phát âm của học sinh khác với âm giọng phổ biến, đó cũng chỉ là cá biệt. Chương văn học dân gian, ở trang tục ngữ, ca dao cho rằng sưu tầm từ các địa phương, chưa có cơ sở chắc chắn. Ví dụ bài đồng dao ở La Gi: “Dốc Cây Chanh/ Ghềnh Đá Dựng…”. Nếu hiểu là câu hát của trẻ con nhưng phải có một quá trình dài, lưu truyền phổ biến trong dân gian thì ở đây với địa danh Cây Chanh, Đá Dựng… chỉ xuất hiện từ sau những năm 60 thế kỷ trước và chỉ được người lớn nhắc đến khi mở đường, làm đập sau ngày thành lập tỉnh Bình Tuy. Thường thấy, dù ca dao đi nữa cũng bằng thể lục bát, song thất lục bát, vè… cho dễ thuộc dễ đọc nhưng nhiều đoạn dẫn ra không đúng như vậy: “La Gi khí phách hào hùng/ Bắt Tây xâm lược nhảy dù Sở Dương”, hoặc bài hò ngư dân Hàm Tân: “Từ Hòn Bà chạy ra Hòn Rạng/ Chỗ mực nằm là đập (rạn) Trường Sơn/ Buông câu, thả lưới, đánh mành/ Căng buồm ta hát trời xanh nắng hồng”. Dưới biển, rạn đá ngầm thì có nhiều, không phải tên riêng và “đập Trường Sơn” thì không nghe đến, kể cả trong bài vè dài gần 200 câu “Thủy trình từ Huế vô Sài Gòn” dành cho các lái ngày xưa cũng không có. Đó là những tư liệu sưu tầm cần có cơ sở. 

Đây là tập tư liệu quý góp phần cho chặng đường mới trong chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục trường học của tỉnh ta hiện nay.

PHAN CHÍNH


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến với tập tài liệu Văn hóa Bình Thuận