Nỗ lực cải thiện suy dinh dưỡng trẻ em

23/08/2016, 09:56

BT- “Thời gian qua, tỉnh ta đã đạt kết quả khả quan trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm đáng kể, từ 27,1% năm 2005, đến cuối năm 2015 chỉ còn 8,8%”, đó là nhận xét của bác sĩ Phạm Việt Yên – Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe trẻ em phòng chống suy dinh dưỡng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh.

                
Bổ sung vi chất dinh dưỡng góp phần giảm tỷ    lệ trẻ bị suy dinh dưỡng.

Tăng cường tuyên truyền về dinh dưỡng

Có được kết quả trên là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương và đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở các địa bàn thực hiện tuyên truyền lồng ghép thông qua các cuộc họp thôn, khu phố. Đặc biệt ở xã vùng cao thuộc huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình vẫn duy trì công tác thực hành dinh dưỡng từ nguồn kinh phí của dự án phi chính phủ hỗ trợ.

Theo chân các cộng tác viên dinh dưỡng trong một ngày mới cảm nhận hết nỗi vất vả mà họ đang thực hiện. Dù phụ cấp chương trình không đáng là bao, công tác tuyên truyền cũng phải kiên trì đeo bám, nhưng với mong muốn thế hệ tương lai phát triển toàn diện, có rất nhiều người đã lớn tuổi vẫn nhiệt tình với nhiệm vụ phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở địa phương. Bà Hà Kỳ Lầu, có thâm niên làm cộng tác viên dinh dưỡng phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết 10 năm nay bày tỏ, làm cộng tác viên dinh dưỡng cũng phải thường xuyên cập nhật kiến thức, tham gia các lớp tập huấn để kịp thời chia sẻ kinh nghiệm cho các bà mẹ chăm sóc con cái. Bởi ở địa phương mấy năm về trước, có nhiều bà mẹ dù bắt đầu cho trẻ bú tốt nhưng cho con ăn bổ sung sớm, hoặc có trường hợp trẻ phát triển tốt trong 6 tháng đầu nhưng lại cho ăn bổ sung quá muộn, hay do ăn bổ sung không hợp lý, vì thế trẻ bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực và trí tuệ.

Nhiều bà mẹ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh con khi mới 18 – 20 tuổi, việc chăm sóc trẻ chủ yếu dựa vào các kinh nghiệm dân gian, như cho trẻ ăn sớm nhanh cứng cáp, cho trẻ sơ sinh uống nước, trẻ bị bệnh thường cúng bái chứ không đưa tới trạm khám và điều trị… Vì vậy làm cộng tác viên dinh dưỡng như chị Đỗ Thị Bồng (xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam), ngoài yếu tố nhiệt tình, còn phải kiên trì, nắm kiến thức dinh dưỡng mới nâng cao được nhận thức của người dân. “Việc tuyên truyền, vận động phải thường xuyên, liên tục, nắm danh sách ngay từ khi các bà mẹ đang mang thai để nhắc nhở họ bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết. Hàng tháng theo dõi sức khỏe trẻ dưới 6 tuổi và cân trẻ dưới 2 tuổi để kịp thời phát hiện những trẻ suy dinh dưỡng. Đồng thời tư vấn cho các bà mẹ cách chăm sóc con, chế độ ăn ngủ của trẻ, hướng dẫn nấu ăn đầy đủ chất dinh dưỡng… Nhờ đó tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở xã giảm hàng năm, đến nay còn 16,2%”, chị Bồng chia sẻ. 

Cần chế biến các món ăn cho trẻ hợp lý

  Bác sĩ Phạm Việt Yên cho biết thêm, để nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo cho thế hệ tương lai phát triển toàn diện, thời gian tới, các địa phương, ban, ngành liên quan cần quan tâm hơn đến công tác phòng chống suy dinh dưỡng thể cân nặng và thấp còi cho trẻ em dưới 5 tuổi. Đó là thường xuyên tổ chức các buổi họp nhóm, tư vấn và trình diễn bữa ăn mẫu đảm bảo thức ăn của trẻ đủ 4 nhóm thực phẩm đạm, béo, tinh bột, vitamin… qua đó cung cấp kiến thức và kỹ năng để các mẹ và những người chăm sóc trẻ hiểu đúng và thực hành đúng. Những buổi sinh hoạt nhóm và tư vấn tại hộ gia đình của cán bộ y tế, còn giúp các mẹ biết thêm cách tận dụng nguồn dinh dưỡng có sẵn tại nhà như rau tự trồng, các loại cá, thịt động vật tự nuôi… Nhờ thế bữa ăn của trẻ đầy đủ chất hơn mà gia đình cũng không quá tốn kém trong việc chuẩn bị bữa ăn cho trẻ, đồng thời cũng kích thích trẻ thích ăn, ít bị ốm vặt và tăng cân đều. Ngoài ra, cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo lịch tiêm chủng mở rộng. Đối với phụ nữ mang thai, việc thăm khám định kỳ rất quan trọng, ngoài việc phát hiện kịp thời những dị tật thai nhi trong giai đoạn đầu, thì các bà mẹ còn được bác sĩ tư vấn cách ăn uống, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để không bị suy dinh dưỡng bào thai, đủ sữa nuôi trẻ sau khi sinh.

Những gia đình có con nhỏ dưới 6 tuổi quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng cho trẻ có thể đến Khoa Chăm sóc sức khỏe trẻ em tại trung tâm để được khám và tư vấn miễn phí.

 Thùy Linh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗ lực cải thiện suy dinh dưỡng trẻ em