Phía sau những chuyến biển

23/08/2016, 08:31

Bài 2:Lối thoát nào cho ngư dân?

BT- Những chiếc thúng úp bờ, những bạn thuyền lần lượt bỏ biển bởi nguồn lợi hải sản đang dần cạn kiệt. Ngư dân đang rất cần những chính sách hỗ trợ, tiếp sức vươn khơi…

                
Đang vào vụ cá nam nhưng tàu thuyền nằm bờ    khá nhiều.

Biển đói…

Đang vào vụ cá nam, lẽ ra cá phải ngập bờ, nhưng cảng Phan Rí đìu hiu, ghe thuyền đậu bờ chật như nêm. Những chuyến biển thua lỗ liên tiếp khiến những ngư dân dày dạn kinh nghiệm cũng phải chùn chân. Thay vì vươn khơi, đánh vây rút chì, họ đành chuyển sang đánh bắt ven bờ, đi lộng để giảm rủi ro cũng như tiết kiệm chi phí. Hơn 30 năm trong nghề, thạo từng con nước, luồng cá, vậy mà chưa năm nào ngư dân Lê Văn Hải ở khu phố Giang Hải 1, thị trấn Phan Rí Cửa lại thấy biển đói như năm nay. Nhìn xa xăm ra cửa biển, ông rít từng hơi thuốc, rồi sang sảng đúng chất dân miền biển: “Những năm trước, ngư dân rất trông chờ vào vụ cá nam, đánh đâu trúng đó, từng mẻ cá khổng lồ, dày đặc. Nhưng giờ có thả lưới hàng trăm hải lý cũng ít thấy đàn cá cơm, cá nục, cá trích…”. Nói đoạn, ông trầm ngâm, im lặng rồi tiếp lời: “Biển đói nên mạnh ai nấy làm, nhiều người sử dụng lưới có kích cỡ nhỏ và khai thác quá mức, cào bằng ghe đôi kết hợp. Hàng năm, vào khoảng thời gian này, lẽ ra tôm hùm giống xuất hiện rất nhiều vì vào mùa sinh sản, nay cũng thưa dần. Mực ống hay cá cơm than cũng lặn mất tăm. Có lẽ môi trường sống không còn phù hợp với chúng!”. Tâm tư của ông Hải cũng là nỗi lòng của nhiều ngư dân lâu năm ở vùng biển này. Hơn nửa tháng nay, chiếc tàu 250CV của ông cũng không dám đánh bắt xa bờ, chỉ đi tuyến lộng kiếm sống qua ngày.

Ngành nông nghiệp cũng từng đánh giá rằng, dù tổng sản lượng khai thác thủy sản hằng năm tăng, nhưng chất lượng không tăng. Điều đáng ngại, tỷ lệ cá tạp trong một mẻ cá tăng mạnh. Trong khi đó, những loài hải sản có giá trị kinh tế cao ven bờ như tôm hùm, mực...lại giảm đến mức báo động. Có lẽ nguồn tài nguyên cạn kiệt cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều tàu đánh bắt xa bờ ở tỉnh gần đây cố tình xâm phạm lãnh hải. Biết rằng trái pháp luật, nhưng họ chỉ mong kiếm được mẻ cá to bù chi phí. Nhiều chuyến biển bị lỗ đã khiến không ít người quyết bỏ biển, chuyển sang nghề bờ.

Lên bờ có dễ…?

Quan niệm của người dân vùng xã bãi ngang “đàn ông đi biển, đàn bà vá lưới” dường như không còn thịnh trong thời buổi này. Những gia đình có truyền thống “cha truyền con nối” như gia đình ông Mao cũng đang dần hướng con lên bờ vì biển đói. Hiện nay, cơ sở gia công các loại dây phục vụ cho các chuyến biển của gia đình ông khá ổn định, do đó ông khuyên các con bán thuyền để sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện như ông Mao, nhiều lao động biển trình độ có hạn, ít giao tiếp xã hội nên tìm được một công việc phù hợp trên bờ quả thật không dễ. Vốn sinh ra trong gia đình có 8 anh em trai, tất cả đều lao động biển từ nhỏ, lại không biết chữ... nên cuộc sống của Nguyễn Văn Thành (xã Chí Công) và các thành viên trong gia đình gặp không ít khó khăn. Trở lại Chí Công lần này, tôi gặp Thành đang bế đứa con nhỏ. Em mỉm cười, e dè bộc bạch: “Em lấy vợ, sinh con rồi chị à, nhưng khó nhất là tìm việc. Gia đình vợ muốn em chuyển nghề lên bờ cho gần vợ con, cải thiện thu nhập. Em đã tính đến việc chạy xe ôm hay đi thợ hồ, nhưng vốn quen sống ở môi trường biển nên rất khó thích nghi”. Khi chúng tôi đang trò chuyện thì Lài - vợ Thành xen ngang: “Đi bạn thuyền cực lắm, nếu những năm trước ăn 10 thì giờ chỉ còn 4-5 thôi. Vài tháng nay, chồng em nghỉ đi biển. Trong xã cũng có nhiều lao động không ra khơi, hàng ngày tụ tập uống cà phê, nhậu nhẹt, đánh bài, thậm chí dính vào các tệ nạn xã hội nữa, phức tạp lắm chị ơi”.

Chính sự buông nghề của nhiều lao động, nên số thuyền viên tại các tàu khai thác thường xuyên biến động. Nếu trước đây chủ yếu dựa vào bạn thuyền tại chỗ, thì nay các chủ tàu ngược xuôi từ Trung ra Bắc, thậm chí xuống tận miền Tây mà vẫn không tìm đủ thuyền viên cho chuyến biển.  

Giải pháp nào cho nghề biển?

Khai thác thủy sản xa bờ là thế mạnh của Bình Thuận với 401 tổ đoàn kết sản suất trên biển/2.548 tàu/ 17.206 ngư dân. Hiện Bình Thuận đang dẫn đầu cả nước về đóng mới “tàu 67”. 36 chiếc đã hạ thủy tập trung chủ yếu ở Phú Quý, La Gi, Tp. Phan Thiết... Điều lạ là một trong những ngư trường lớn như Tuy Phong lại chỉ có 1 “tàu 67” với công suất 450 CV. Giải thích cho sự khiêm tốn này, một lãnh đạo huyện cho hay, có lẽ do quy trình, thủ tục còn khá rườm rà, đòi hỏi chặt chẽ, phức tạp trong khi trình độ của ngư dân hạn chế nên họ gặp khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục hồ sơ theo quy định để vay vốn ngân hàng. Đây chính là thực trạng chung khiến nhiều ngư dân nản lòng. Tuy nhiên, có thể thấy nhờ có Nghị định 67, Nghị định 89 của Chính phủ, bà con ngư dân có thêm động lực bám biển trong điều kiện khó khăn như hiện nay.

Gần đây, Bộ NN&PTNT cũng đề xuất một số chính sách mới như gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất đối với tàu cá xa bờ, hỗ trợ 50% bảo hiểm thân tàu, 100% bảo hiểm tai nạn thuyền viên... nhằm tháo gỡ những khó khăn về vốn – điều mà ngư dân nào cũng mong mỏi. Tuy nhiên, ngoài việc “nâng cấp” chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi, chính quyền địa phương cần hình thành các chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho ngư dân. Ngoài ra, các địa phương cũng cần có tầm nhìn và mạnh dạn hơn trong việc giúp đỡ ngư dân thực hiện “cuộc cách mạng” cải hoán tàu nhỏ, đóng mới tàu lớn, xem đây là điều kiện cần và đủ để hình thành những “tập đoàn” đánh bắt xa bờ có hiệu quả. Thời gian qua, các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, nghiệp đoàn nghề cá của tỉnh… đã song hành cùng ngư dân vươn ra khơi xa, an tâm đánh bắt, góp phần giữ gìn biển đảo quê hương.              

K.HẰng – M.Vân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phía sau những chuyến biển