Mùa biển… lở

11/01/2017, 08:56

BT- Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa gió bấc thổi là tình trạng triều cường, sạt lở biển lại xảy ra. Năm 2016, diễn biến phức tạp hơn, hiện tượng triều cường, bão lũ với cường độ ngày càng gia tăng gây tình trạng xâm thực sạt lở bờ biển trên địa bàn toàn tỉnh quy mô ngày càng lớn. Một số vị trí sạt lở nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân, nhất là ở các vùng bờ biển huyện Tuy Phong, Phan Thiết, La Gi.

Bài 1: Sóng “dữ”

Tết nhất đến nơi rồi nhưng gia đình đang nơm nớp lo sợ không có chỗ trú chân, nói chi đến mua áo mới cho con. Đêm đến, hễ nghe tiếng sóng dữ là cả nhà chuẩn bị tinh thần dắt díu nhau “bỏ của chạy lấy người” - chị Nguyễn Thị Thạch, trú tại khu vực Bậc Lở, thôn Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Tân (Tuy Phong) rưng rưng...

                              
Ông Vũ xót xa trước căn nhà bị sập.
   
Ngôi nhà của ông Cư nay chỉ còn trơ lại    chiếc giường.

 Ở nơi… Bậc Lở

Sáng sớm một ngày trung tuần tháng chạp - tôi có mặt tại xóm ven biển mang tên Bậc Lở. Đã là cuối năm, thay vì trang trí nhà cửa, mua sắm tết như lệ thường, thì bà con trong xóm ai nấy đều lấm lem, khắc khổ. Từng nhóm trẻ con đen đúa đang nghịch ngợm, chọc phá nhau bên những đống bê tông đổ nát, những gốc cây khô khốc, trơ ngọn đổ vật ra bãi biển. Cả dãy nhà sát bờ biển trở nên tan hoang như sau một trận càn. Tất cả, bởi họ vừa trải qua những đêm thấp thỏm, mất ngủ vì lo sợ sóng biển “liếm” bay nhà trong gang tấc.

Trong cái nắng, gió hanh hao rát rạt, hòa trong tiếng sóng vỗ ào ào, tôi cảm  nhận được vị mặn chát nơi xóm biển, đồng cảm với nỗi lo của bà con nơi đây khi năm nào cũng chịu cảnh triều cường, sạt lở biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Mới đây nhất, từ ngày 17 đến 24/12/2016, biển xâm thực đã gây sạt lở khu vực Bực Lở (phía Đông của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân). Từ chiều tối đến nửa đêm là thời gian những ngọn sóng cao từ 2 - 3m ập đến. Mới đây nhất, sóng đã làm sập, hư hỏng hơn 10 nhà và hiện đang đe dọa trực tiếp đến 114 hộ gia đình trong khu vực, trong đó có 36hộ/142 khẩu đang sống trực tiếp giáp với bờ biển.

Tay cầm thau xi măng trộn, khéo léo trét vào mấy lỗ thủng dưới kiềng nhà - chị Thạch thở dài chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ bước vào những ngày giáp tết và sau Tết Nguyên đán là tình trạng sạt lở biển lại càng mạnh. Bây giờ, chúng tôi chỉ biết trét tạm xi măng “cầm cự” đến ra tết mới tu bổ lại nhà cửa. Nhưng từ giờ đến đó, cũng chưa biết trước thế nào”.

Bậc Lở - quả đúng như tên gọi. Nơi xóm nhỏ này đã mấy chục năm nay đều xảy ra xói lở bờ biển nên đã thành cái tên. Ông Đặng Hoàng Vũ - gia đình có nhà bị hư hỏng trong thôn Vĩnh Hưng chỉ tay về phía Cảng tổng hợp Vĩnh Tân giải thích: “Từ khi cảng này xuất hiện thì sóng “dữ” đều đổ dồn vào khu dân cư, khiến chúng tôi rất khổ sở”. Ông Vũ quay mình cúi xuống thò tay vào “cái hang” dưới kiềng nhà nói: Đây là lần thứ 3 tôi phải gia cố nhà cửa, mỗi lần tốn hơn 20 triệu đồng, nhưng  chỉ sau một đợt triều cường thì mọi cố gắng, của cải đều trôi ra biển. Cách duy nhất mỗi gia đình tự néo cột bằng những thanh sắt, xi măng để giảm bớt nguy cơ đổ sập nhà.

Tại nơi tôi đứng là căn nhà đã bị cuốn trôi hoàn toàn của hộ ông Nguyễn Văn Cư ở thôn Vĩnh Hưng. Nền nhà trơ trọi chỉ còn cái giường mục nát và khối bê tông bể vụn. Ngay cả gốc cây chùm bầu cao lớn, sừng sững trong xóm mấy chục năm nay cũng không chịu nổi những cơn sóng, đổ gục ngổn ngang. Lâu nay, biển là nơi nuôi sống họ bằng những nghề chài lưới, đi câu… Khi biển vắng cá, họ lại đi làm công nhân cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Nhưng ở nơi Bậc Lở ấy, “tổ ấm” của họ lại thật mong manh bởi những cơn sóng dữ. Tết này, không biết bà con sẽ lo tết ra sao?

 Hậu quả những “trận càn”

Thôn Vĩnh Hưng của xã Vĩnh Tân chỉ là một trong những điểm “đen” thường xuyên xảy ra triều cường, sạt lở bờ biển của tỉnh. Trên địa bàn huyện Tuy Phong, cùng hứng chịu sự tàn phá của triều cường, còn phải kể đến địa bàn các  xã Vĩnh Hảo, Phước Thể, Bình Thạnh, Hòa Phú, thị trấn Liên Hương và Phan Rí Cửa với tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở hơn 9 km. Riêng từ ngày 29 đến 30/12/2016 tại khu phố 14, thị trấn Liên Hương, gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, kết hợp triều cường, sóng lớn đã gây sạt lở gần 300m bờ biển, đe dọa trực tiếp nhiều nhà cửa, tài sản của 43 hộ/202 khẩu sống dọc ven biển.

Từ Tuy Phong, chúng tôi quay ngược về thị xã La Gi và TP. Phan Thiết - những địa bàn đang hứng chịu hậu quả của “sóng ăn bờ”. Có mặt ở vùng biển nào, tôi đều chứng kiến những cảnh tượng giống nhau - những căn nhà đổ nát. Có khác chăng chỉ là mức độ thiệt hại. Nơi ảnh hưởng nặng nhất có lẽ là thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành (Phan Thiết). “Biết nguy hiểm là vậy, nhưng vẫn còn một số hộ chủ quan không chịu di dời theo vận động của lực lượng “4 tại chỗ” trong xã. Chỉ đến khi triều cường “quét” hết nhà cửa, nhiều hộ mới cuống cuồng thúc giục chính quyền hỗ trợ di dời” - ông Nguyễn Hoàng Sơn Long - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thành nói với chúng tôi.

Không thể liệt kê hết những thiệt hại, mất mát mà những người dân ven biển phải hứng chịu bao năm nay, dẫu biết triều cường là hiện tượng tự nhiên khó có thể ngăn chặn. Nhưng làm gì để hạn chế những tác động của những con sóng dữ lại đang là nỗi tâm tư, mong ước của không chỉ người dân mà còn là trăn trở của lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương.

    
    Ông Trần Hoàng Khôi - Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết lo lắng   nói: Từ năm 2013 đến nay, triều cường xâm thực gây sạt lở bờ biển với   chiều dài khoảng hơn 1.000 m, sâu vào đất liền khoảng 20 - 30m, ảnh   hưởng đến đến đời sống nhân dân và tuyến đường Trần Lê (khu vực thôn   Tiến Đức, xã Tiến Thành). Biển xâm thực làm ảnh hưởng khoảng 200 hộ dân   sinh sống tại đây, gây sạt lở và sập hoàn toàn 66 căn nhà, hiện còn 34   hộ nằm trong khu vực có nguy cơ cao.

Kiều Hằng


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa biển… lở