Doanh nghiệp là “đầu tàu” cho phát triển nông nghiệp

10/01/2017, 08:20

BT- Theo một số chuyên gia, mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam có lợi thế trong hội nhập, với nhiều mặt hàng nông sản đem lại kim ngạch xuất khẩu cao như gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, gỗ và các sản phẩm lâm sản… Song, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất ít với khoảng 1%, đa số là doanh nghiệp nhỏ, trong đó số có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm đến 55%; nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn còn ít, ước tính chỉ chiếm khoảng 6% trên tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế. Riêng  đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ chiếm dưới 4% tổng vốn đầu tư trong nhiều năm qua. 

Bình Thuận là một tỉnh nông nghiệp, những năm qua nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp có khá hơn mức bình quân của cả nước nhưng cũng chỉ chiếm 13,5% tổng vốn đầu tư xã hội; tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp cũng rất thấp, hầu hết doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này có quy mô nhỏ, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế… Do vậy tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh những năm qua gần như chững lại (năm 2015 là 0,63%, năm 2016 là 0,1%).

Có thể nói trong suốt ba thập kỷ qua, dù đã có khá nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nêu cao vai trò của doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp. Tuy nhiên, kết quả triển khai nhiều chương trình, dự án nông nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Chủ trương đã có nhưng vì sao lĩnh vực nông nghiệp không thu hút được doanh nghiệp đầu tư? Lý giải cho vấn đề này, nhiều ý kiến đều có chung nhận định: Chính sách sử dụng đất bất hợp lý, thiếu những diện tích đất quy mô lớn; lợi nhuận thấp và rủi ro cao; tư duy phát triển nông nghiệp không phù hợp... là vài rào cản chính khiến doanh nghiệp không muốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Hiện nay, ngành nông nghiệp nước ta nói chung và Bình Thuận nói riêng đang bước vào giai đoạn mới, với yêu cầu là tăng cường thu hút vốn đầu tư để tái cơ cấu toàn diện. Do đó, ngành nông nghiệp không chỉ dựa vào nông dân giữ vai trò chủ đạo như trước đây, mà phải có sự tham gia và hợp tác chặt chẽ hơn của doanh nghiệp với vai trò là “đầu tàu” để giải quyết được ba điểm nghẽn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn vốn đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Từ những phân tích trên cho thấy, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới, vấn đề trước mắt cần quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện là tiến hành rà soát, nâng cao chất lượng và quản lý quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ gắn với xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng các đề án, dự án có tính khả thi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công khai, minh bạch các quy hoạch, đề án, dự án kêu gọi đầu tư; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, trình tự đầu tư, thanh quyết toán vốn. Tỉnh cần có bước đột phá trong việc ban hành những chính sách nhằm đơn giản hóa các thủ tục cấp phép đối với doanh nghiệp, thủ tục triển khai những dự án trong nông nghiệp.

Xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, nhất quán có tính đột phá, đủ mạnh để huy động nguồn lực của xã hội, nhất là nguồn lực của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó đặc biệt là chính sách tích tụ ruộng đất, trên cơ sở nới hoặc bỏ hạn điền (nếu không làm được điều này sẽ không thể có nền nông nghiệp hiện đại có quy mô sản xuất lớn). Có cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án trên cùng địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư tập trung vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng và hiệu quả cao như nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, giống, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Phát triển và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm với hộ nông dân, hợp tác xã theo mô hình xây dựng cánh đồng lớn. Tạo môi trường thuận lợi thu hút, phát triển các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của  cây trồng, con nuôi lợi thế trên từng vùng và nâng cao chuỗi giá trị nông, lâm, hải sản.

HỒNG LÊ


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp là “đầu tàu” cho phát triển nông nghiệp