Thí sinh chọn nghề theo thế mạnh của tỉnh

18/01/2017, 10:04

BT- Trời đổ mưa lớn vào rạng sáng ngày 15/1, nhưng cũng không làm giảm không khí háo hức của khoảng 2 nghìn học sinh của 6 trường trên địa bàn Hàm Tân và thị xã La Gi tụ họp về Trường THPT Lý Thường Kiệt tham dụ buổi tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2017. Chương trình do Báo Tuổi Trẻ TPHCM phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và Tỉnh đoàn Bình Thuận tổ chức nhằm mục tiêu cung cấp những thông tin bổ ích nhất, mới nhất của Bộ GD - ĐT, nhu cầu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng trong kỳ tuyển sinh sắp diễn ra vào giữa năm nay.

                              
Buổi tư vấn thu hút khoảng 2 nghìn học sinh    cuối cấp tại La Gi và Hàm Tân.
   
Nhiều học sinh hỏi về việc nên chọn nghề    theo nhu cầu hay sở thích.

Năm 2017, điều thuận lợi nhận thấy rõ là các học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT ngay tại trường của mình thay thế cho việc phải di chuyển xa tới các tỉnh/ thành khác hoặc tập trung vào Tp. Phan Thiết thi như 2 năm trước. Điều này đã phần nào tạo tâm lý thoải mái hơn cho thí sinh và cả phụ huynh, gia đình các em. Mỗi tỉnh sẽ tổ chức một cụm thi do Sở GD - ĐT tỉnh đó chủ trì, Bộ GD - ĐT có sự điều tiết số lượng cán bộ, giảng viên các trường đại học về tăng cường để phối hợp, hỗ trợ, thực hiện giám sát các khâu: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo.

Thạc sĩ  Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD – ĐT) nhắc lại thông tin cho thí sinh rằng:  Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh hệ giáo dục THPT phải dự thi 4 bài, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi Khoa học Tự nhiên (KHTN) hoặc Khoa học Xã hội (KHXH). Thí sinh hệ giáo dục THPT có thể thi cả 5 bài thi để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ. “Nếu thí sinh nào chọn dự thi cả 2 bài thi (KHTN và KHXH), thì điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT”, ông Hùng nhấn mạnh.

Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi và các môn thành phần của bài thi KHTN, KHXH, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ. “Việc đăng ký thi THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cùng lúc. Thế nhưng, sau khi có kết quả thi, các thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng xét tuyển trước đó”.

Trả lời các thắc mắc của thí sinh về việc nên chọn nghề theo nhu cầu xã hội hay sở thích của cá nhân, thầy Nguyễn Văn Thư – Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải mong muốn các thí sinh nên chọn theo sở thích và năng lực của bản thân.

Lý giải cho điều này, thầy dẫn chứng: việc dự báo nhu cầu việc làm của các ngành nghề ở Việt Nam chưa tốt, nhiều ngành có thể thiếu trong ngắn hạn nhưng 4 hoặc 5 năm sau sẽ bão hòa. Vì vậy chạy theo nhu cầu xã hội là không tốt. “Các em nên tự đánh giá khả năng của mình, sở trường sở đoản ra sao và nên lựa chọn công việc mình thích để theo học. Vì nếu vậy, các bạn sẵn sàng theo đuổi những đam mê đó đến cùng, việc đầu tư thời gian, chi phí cũng sẽ có trọng tâm và trọng điểm, có lộ trình rõ ràng”.

Tiếp tục việc lựa chọn nghề nghiệp, thầy Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởngtrường Đại học Nông Lâm Tp. HCM cho ý kiến rằng: tại sao các bạn không chọn nghề theo lợi thế, thế mạnh của tỉnh nhà. Bình Thuận là tỉnh nổi tiếng về nông nghiệp, thủy sản và du lịch. Nền tảng của các ngành này tại địa phương là sẵn có, vậy tại sao không tiếp tục phát triển nó? “Các ngành, nghề liên quan đến công nghiệp chế biến đòi hỏi nguồn nhân lực cao, không chỉ tại Bình Thuận mà cả nước”.

Việc nước ta tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế, nhất là cộng đồng kinh tế chung ASEAN cũng tạo nên cơ hội và thách thức trong tìm kiếm việc làm. Nguồn nhân lực của các quốc gia sẽ có sự trao đổi và cạnh tranh lẫn nhau. “Cho dù chọn nghề gì thì các em cũng cần bổ sung nhiều kỹ năng trong công việc và cuộc sống, nhất là ngoại ngữ”.

Sau phần tư vấn chung, ban tổ chức chia học sinh theo 3 khối ngành, gồm: Khối Khoa học xã hội, sư phạm, ngoại ngữ, luật, y dược, quân đội, công an… Khối Khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, xây dựng, giao thông, điện tử, nông lâm ngư nghiệp… và Khối kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh… Phần lớn các câu hỏi của thí sinh gắn liền với nhu cầu việc làm sau khi ra trường, các nội dung học tập của ngành, nghề, học phí, cơ hội phát triển… Từ đó, các thí sinh tại La Gi và Hàm Tân sẽ có sự trao đổi, đánh giá, so sánh trước khi đưa ra những quyết định quan trọng của bản thân trong năm nay.

Đ.HẬU


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thí sinh chọn nghề theo thế mạnh của tỉnh