Khu vườn xưa yên tĩnh

13/01/2017, 08:58

Những khu vườn

BT- Bình thường, rỗi rãi công việc tôi thường nghĩ đến những khu vườn. Những khu vườn đâu đó trong những lần chuyển dịch tôi ghé thăm. Tôi thường hình dung ít nhiều về kiểu vườn miền Bắc, nơi mỗi khi bước vào, bạn sẽ trông thấy nhiều loại cây trồng xen nhau theo một dạng gần như là công thức: rất ngắn, ngắn, dài và rất dài. Những khu vườn như thế, màu xanh dày sít, cây chen nhau mà lên và người chủ vườn luôn tính toán thu hoạch cây trái một cách có lợi nhất, bên cạnh việc tính toán cây gì trong khu vườn là tài sản để lại cho con cái mai sau, cũng như khi cần lấy nó sửa lại căn nhà của chính mình. Vườn miền Bắc là những khu vườn hợp canh mà nguyên nhân do tình trạng đất chật người đông của châu thổ sông Hồng. Miếng đất, khu vườn có được của từng gia đình miền bắc là tài sản có giá, và chủ vườn không gì khác hơn là trồng nhiều loại cây, đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp của họ. Bạn có thể thấy điều này ở chiếc ao. Đầu tiên, dưới nước là cá, gần sát nước là môn thục, rau ngót, rau muống, các loại rau có thể; xa hơn là đu đủ, các loại đậu thân leo, giàn khổ qua, rồi ngoài cùng là xoan đào, cành bưởi, cây cam.

                
      
Ông Nguyễn Công Sanh (thứ hai trái sang) và    các bác sĩ của Bệnh viện thị xã La Gi trong khu vườn.

“Xa bờ ao nhà mình, con chuồn chuồn đã bạc màu xanh.

Ô kìa con chuồn chuồn màu vàng như trái cam.

Trái cam màu vàng em đã trồng bên bờ ao,

chân cỏ dại hai đứa cùng nhau vui chơi ú tìm.

Bên bờ ao nhà mình”…

Chiếc ao, bờ ao vì thế ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người miền Bắc. Nó lý giải vì sao tác phẩm âm nhạc “Bên bờ ao nhà mình” của nhạc sĩ Lê Minh Sơn,  ca sĩ Ngọc Khuê thể hiện được nhiều người miền Bắc yêu thích đến vậy, bởi ngoài những kỷ niệm của tuổi thơ, của anh và em, chiếc ao nhà còn là nơi mẹ cha ta trồng những cây cứu đói cho cả nhà vào những năm khó khăn. Vì thế, ta đi xa, lớn lên, có vợ, theo chồng vẫn không quên bờ ao nhà mình bởi nơi đó anh từng đợi em, từng chờ em mỗi mùa trăng lên...

Rời những khu vườn miền Bắc, tôi không khỏi suy tư trước không ít khu vườn miền Trung, xứ sở tôi. Ơi miền trung, chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước, ngoài sự nhọc nhằn, còn chịu bao nhiêu thiên tai, thời tiết bất thường. Miền Trung, cụ thể là Huế, nơi Phùng Quán viết nên hai câu thơ: “Khi nắng thì bùn hóa đá, khi mưa thì đá hóa bùn”. Miền Trung, nơi từng là “Ô châu ác địa”, chốn triều đình phong kiến Đại Việt lưu đày phạm nhân, cũng là nơi mà phiêu dân Đại Việt xưa từng đến sinh sống. Thung thổ miền Trung chẳng bao giờ ôn hòa, dễ sống cả, nên người miền Trung khi lập vườn, trồng cây luôn nghĩ đến yếu tố phòng vệ (phòng thủ), trước là bảo vệ mình sau là bảo vệ  họ hàng, xóm làng… Các loại cây trồng trong vườn đều theo một thứ tự, lớp lang rõ ràng, tạo nên tấm bình phong ngăn được gió giật, mưa tuôn; giúp từng ngôi nhà trụ vững trước thiên tai (yếu tố kinh tế của vườn chỉ được đặt ra một cách chừng mực). Cây trong vườn miền Trung được chăm tỉa cẩn thận qua từng năm một, và cứ một cây già đi thì một cây con được trồng thay thế. Những khu vườn miền Trung, có sự tiếp nối, không đứt quãng, cho dù chủ của vườn là người ít học chẳng hiểu nhiều về kỹ thuật cây trồng. Những khu vườn miền Nam thì khác. Yếu tố kinh tế được đặt lên đầu, nên vườn miền Nam đa phần chỉ một loại cây, và chỉ một loại cây, với điều kiện loại cây đó hàng năm cho huê lợi đáng kể.

Vườn ông Sanh

 Những nghĩ suy đó làm tôi bất ngờ khi bước vào khu vườn của ông Nguyễn Công Sanh ở xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân. Một khu vườn được nhiều người biết đến trong 5 năm nay. Ông Sanh là người gốc Quảng. Người thân ông vào Hàm Tân lập nghiệp, lập vườn khi còn rất trẻ. Khu vườn nằm bên khúc cua của sông Dinh, dòng sông dài hơn 60 km, khởi nguồn ở vùng tiếp giáp Nam Di Linh và Bình Thuận, chảy theo chiều Tây Bắc - Đông Nam, ngoặt dòng trước  khi qua cầu Láng Gòn, về thị xã La Gi rồi ra biển. Trong khu vườn ấy chàng thanh niên Sanh lớn lên, gặp gỡ với người đàng mình. Khu vườn trở thành nơi lưu lại của nhiều cán bộ cách mạng khi cần theo dõi tình hình địch ở cái bót gác cách cầu Láng Gòn không xa. Địch cũng đoán biết vài bí mật trong khu vườn ấy nhưng không dám phá vườn vì bên kia sông là rừng, “đất” của cách mạng. Chỉ cần một phát súng bắn tỉa là tiêu đời. Đó là cái lý do để đến ngày giải phóng, khu vườn ông Sanh vẫn um tùm, đầy bí mật. Nó chỉ thay đổi vào những năm cả nước sống trong cơ chế bao cấp. Thời gian đó, chủ khu vườn trồng thêm dừa các loại, hàng tuần bán dừa cùng tiền công làm HTX mành buông se của vợ để nuôi con. Hết thời bao cấp, khu vườn vẫn không giúp chủ nó khá lên, thay vào đó cây cối lại già, ít trái. Chủ vườn, lúc này lại chuyển ra Phan Thiết, đi Phú Quý làm Bí thư huyện đảo. Đó cũng là khoảng thời gian, mỗi khi ông về thăm nhà, tôi thường ghé ông. Chúng tôi trò chuyện trên chiếc ghế đá dưới tàn cây vú sữa rùm ròa, nghe ông Sanh kể đủ thứ chuyện nhưng chưa bao giờ ông nói đến chuyện cải tạo khu vườn, bởi như ông từng nói: Ở đấy có quá nhiều kỷ niệm của người thân. Vậy mà nó đã thay đổi, một kiểu vườn chẳng giống vườn Bắc, miền Trung, hoặc vườn miền Nam. Nó là kiểu vườn gần với vườn sinh thái, khai thác lợi ích lâu dài hơn là trước mắt. Chủ vườn cố tình giấu nó sau căn biệt thự mới xây cùng căn nhà cũ và những hàng cây vú sữa sum suê, nhìn từ ngoài vào khó lòng biết được.

                
Lối vào vườn.

Để vào vườn, phải bước qua  cổng chính của ngôi nhà, đi thêm vài chục thước đến một lối đi  dẫn sang bên trái, từ đó mới chính thức vào vườn. Một lối đi chạy giữa khu vườn, đến sát bờ sông và tỏa ra các nhánh. Một căn nhà bát giác ngói đỏ xây bên trái lối đi, trong kê chiếc bàn đá, là nơi chủ nhân tiếp khách, vì như chủ nhân giới thiệu: Ngồi ở đó có thể thấy một phần khu vườn, bờ kia của dòng sông, nơi những dãy lau bông trắng mọc đầy và nghe được tiếng nước róc rách từ sông vọng lên. Từ căn nhà lục giác đó đi chừng hai mươi bước chân là đến bậc tam cấp dẫn xuống sông, chạm vào nước sông mát lạnh, chạm vào nỗi buồn, niềm vui tùy theo tâm trạng của từng người khi nhìn nước trôi, những bông hoa dại trắng li ti không biết ở nơi nào của dòng sông đưa về. Chính vì vậy sau khi  ngồi vào chiếc bàn đá, se sẻ đặt chân mình lên từng bậc tam cấp, chạm chân vào làn nước lạnh, ngẫm nghĩ đủ thứ chuyện đời, tôi nói với người chủ khu vườn là ông khéo giấu... Ông Sanh cười hiền: “Vườn đang trong giai đoạn hình thành. Cần thêm thời gian hoàn thiện rồi mới thông báo. Không ngờ bạn bè mình sớm làm cho nó “nổi tiếng”. Một sự “nổi tiếng” chưa cần thiết, bởi vậy ai đến chơi mình đều mong họ cho nhận xét để hoàn chỉnh khu vườn”. “Đã có bao nhiêu nhận xét”, tôi tò mò. “Nhiều. Đều chân thành”- ông Sanh nói. Chúng tôi ngồi xuống chiếc bàn đá và nghe ông kể: 40 năm trước gần như cả huyện Hàm Tân là rừng. Rồi rừng bị tàn phá, bị khai thác đến cạn kiệt. Khi còn là cán bộ của huyện Hàm Tân, chứng kiến cảnh rừng từ chỗ giàu tài nguyên đến nghèo kiệt, rồi chỉ còn là đất trống, ông không khỏi nghĩ suy. Hơn 20 năm sau, trở thành Bí thư Huyện ủy Hàm Tân, ông nhiều lần trở lại những vùng rừng trước đây. Và cái màu xanh xưa, màu xanh yêu thương, cái màu xanh từng che giấu đồng đội ông trong nhiều năm... lại hiện ra, làm ông bàng hoàng, tiếc nuối. Mới đó mà rừng lụi tàn nhanh vậy sao? Phải hàng trăm năm, thiên nhiên mới tạo nên những cánh rừng, trong khi con người thì không phải ai cũng biết quý và gìn giữ. Những lần như thế, ông đều nán lại vùng rừng cũ thật lâu, trò chuyện với những nông dân là người làm rừng trước đây và không ít người nói với ông: “Bây giờ Bí thư có tiền cũng không dễ mua được một lóng gỗ quý, như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, sao sao… bởi còn đâu mà mua? Ngay trên đỉnh ngọn núi Bể  thuộc Hàm Tân mình, may ra còn được một ít, nhưng đó là lâm tặc chưa biết chỗ chứ nếu biết thì họ cũng tìm mọi cách lấy cho bằng được”.

Một cái gì đó làm ông Sanh nhói đau trong tim. Lời của những người nông dân là lời thật, lời ngay, bởi chính họ cũng là người chịu ảnh hưởng của không ít thiên tai lớn, nhỏ sau khi mất rừng… Ông cũng biết, vài người trong họ tìm cách đưa cây con của các giống cây cho gỗ nhóm I về trồng trên đất nhà. Tương lai, cây con lớn lên sẽ trở thành thứ tài sản của con cháu họ. Điều ấy gợi ý cho ông Sanh cải tạo khu vườn của mình thành vườn chuyên trồng các giống cây cho gỗ nhóm I, nhóm II của rừng miền Đông Nam bộ trước đây, mà các nhà lâm nghiệp quen gọi là cây đặc hữu. Sau đó là những ngày nghe ở đâu, chỗ nào, ai đó, ươm giống cây gỗ quý, ông đều tìm tới. Lúc thì vô Công ty Lâm nghiệp Long Khánh (Đồng Nai), lúc vô Bà Rịa – Vũng Tàu… Biết Bí thư yêu cây, “lính ruột” của ông khi làm rẫy, phát hiện một cây trắc con đã không quên “alo” cho thầy, rồi thầy trò bỏ công đào. Mỗi cây con đưa về được chăm sóc kỹ lưỡng. Trồng xuống đất rồi, hàng ngày nó được chủ vườn chăm tưới cho đến khi ra đầy đủ lá, khỏe khoắn. Bằng cách học nghề làm vườn qua mạng, chủ vườn thiết kế khu vườn thành nhiều ô. Mỗi ô có thảm cỏ, vài viên đá núi đặt nằm, hoặc dựng đứng, trên đó viết những lời của người xưa về cách sống thư thái, cách “Quẳng gánh lo đi mà sống”, gần gũi thiên nhiên… để ai đó tiện mắt thì đọc. Đó là quà của chủ vườn tặng khách, nếu khách “ngộ” được thì hãy bước chân vào vườn mọi lúc có thể. Cũng  chẳng tốn đồng phí nào và biết đâu, nếu gặp dịp sẽ được chủ nhân thiết đãi những cây trái chín trong vườn.

Tĩnh tâm

Lần thăm vườn mới đây của tôi khi mùa xuân lại về. Sau gần 10 năm cải tạo, khu vườn rộng hơn 1 ha trở nên xanh um bởi cây lá, thảm cỏ mượt mà, bởi những hàng chuối xanh nghiên, cùng với một số cây lâu năm mà cành của nó xòe ra như chiếc tán rộng. Ở vài chiếc tán, tôi bắt gặp những tổ ong cũ, chứng tỏ loài ong đã biết đây chính là chốn bình yên, tìm về. Tôi đi dọc theo vườn, hướng ra bờ sông, từ đó bắt gặp từng cây gỗ quý như: lim, cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, trắc... to bằng bắp tay người lớn, cao năm, bảy thước, cành vươn ra xung quanh… Trong lúc lưỡng lự nên hay không bước xuống bậc tam cấp, tôi bất ngờ trông thấy đôi dép viền nơ đỏ cùng chiếc nón của ai đó đặt ở bậc xuống đầu tiên. Đúng lúc ấy, một phụ nữ khoảng ngoài ba mươi, mặt chữ điền, mắt to, đôi lông mi dài đen thẫm, tay dẫn cháu bé chừng mười tuổi, từ phía sông bước lên. Cháu bé nói gì với người ấy và dường như chị đang dỗ dành cháu bé. Trông thấy tôi, chị gật đầu chào, hỏi tôi có thể cho con chị xin ly nước lọc vì chị đã  bỏ quên chai nước khi bước xuống xe. Biết chị lầm mình với chủ vườn vì trên tay tôi có cầm cây sào dài (vợ chủ vườn đưa) để khi cần hái mấy quả dừa xiêm, tôi nói mình là khách nhưng là khách quen, vì vậy có thể mang cho con chị nước. Mười phút sau, nhờ ly nước, chúng tôi có thể nói chuyện với nhau nhiều hơn. Người phụ nữ nói chị tên Trang, ở Ninh Thuận. Vài người ở Ninh Thuận trước đó nói với chị về khu vườn, cũng như kể với chị có  nhiều đoàn khách nhỏ đến thăm, ở lại trong vườn suốt cả ngày. Lần đầu tiên chị ghé vườn vào một ngày tháng 6. Khi ấy, người chồng vừa bỏ mẹ con chị. Lúc ấy chị muốn tránh cả người thân. Cả một ngày chị thơ thẩn trong vườn, xuống sông ngồi hàng giờ. Cuối cùng cái câu “Quẳng gánh lo đi mà sống” vực chị đứng dậy…  Chị quyết định trở về Ninh Thuận. Chị không thể bỏ con mà đi. Người đàn ông  phụ bạc thì chị còn có con. Lần này chị đưa con trở lại thăm khu vườn, sau đó thăm Thiền Viện Trúc Lâm ở xã Sông Phan, rồi về. Chuyện của chị làm tôi xúc động. Tôi nghe chủ vườn nói, ngoài mục đích bảo tồn nguồn gen của các giống cây quý, vườn còn là nơi thư giãn, lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Mới nghe  tôi có đôi chút hồ nghi, nhưng lần này qua Trang, tôi biết điều ấy là thật.

Một buổi sáng xuân yên lành. Người phụ nữ cho hay, chị đến đây từ lúc sáng, muốn gặp chủ vườn nhưng không được vì sau khi nghỉ hưu, ông được mời làm quản lý một khu du lịch cách đó mấy chục cây số, chỉ về nhà lúc chiều tối. Khi nói những điều đó, gương mặt người phụ nữ hiện lên vẻ dịu dàng và phúc hậu. Có lẽ chị muốn cảm ơn chủ vườn? Người có nghĩa tình thường cư xử như thế. Tôi ngỏ ý muốn chụp hai mẹ con chị một tấm ảnh ở chỗ cuối cùng của bậc tam cấp. Một bức ảnh bên dòng nước chảy và một người phụ nữ với đứa con thơ, mắt hướng về bên kia dòng sông  sẽ nói với người xem: Mọi ưu phiền rồi sẽ tan đi nếu ta biết gỡ bỏ...  Chị đồng ý. Bức ảnh ấy hiện nay tôi vẫn giữ. Trong ảnh, Trang cười thật tươi. Ánh mắt nàng như muốn bảo với tôi rằng sẽ rất nhớ khung cảnh này. Tôi nhớ khi nàng ra khỏi cổng vườn, nhưng ánh mắt dường như ở lại!

Bút ký: Hà Thanh Tú


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khu vườn xưa yên tĩnh