Khánh Thiện - ngôi đình thân thuộc của bao thế hệ ngư dân Mũi Né

10/01/2017, 08:41

BT- Đình làng Khánh Thiện được tạo lập từ đầu thế kỷ thứ 19, tọa lạc cạnh bờ biển (thuộc khu vực Nước nhỉ - khu phố 2, phường Mũi Né ngày nay). Tương truyền, trong quá trình sinh cơ lập nghiệp của 3 người anh em: Rìu, Búa, Đinh- những ngư dân Bình Định theo đường biển vào đánh bắt hải sản. Họ ghé lại Mũi Né trú gió, trú mưa, sau đó trụ lại mảnh đất này tạo lập 3 làng: Thạch Long, Khánh Thiện và Long Sơn. Về sau, ông Huỳnh Công Mao - quê ở Tuy Hòa, Phú Yên, cũng là ngư dân vào Mũi Né đánh bắt hải sản và thường xuyên ghé lại làng Khánh Thiện để nghỉ ngơi. Những năm tiếp theo, ông Mao ở lại đây khai phá đất đai để lập nghiệp và vận động nhân dân xây dựng đình làng. Từ đó, ông được người dân phong là tiền hiền của làng Khánh Thiện. Hiện nay, phần mộ của ông Huỳnh Công Mao vẫn còn tọa lạc tại khu phố 5, phường Mũi Né.  

Trở lại với quá trình xây dựng đình Khánh Thiện, năm 1946, do nghi ngờ đây là nơi hoạt động của lực lượng cách mạng, ngôi đình đã bị thực dân Pháp phóng hỏa thiêu rụi, chỉ còn lại bức bình phong và nền móng các hạng mục. Đến năm 1958, ngôi đình được dân làng phục dựng lại trên cơ sở tôn tạo lại ngôi nhà làm việc của Hội đồng xã, cách vị trí ngôi đình cũ khoảng 2km về hướng Đông Nam (thuộc địa bàn khu phố 4, phường Mũi Né ngày nay). Bức tượng Thần Hoàng Bổn Cảnh bằng đất nung và câu đối bằng văn tự Hán - Nôm từ ngôi đình ở vị trí cũ, hiện nay vẫn còn lưu giữ tại gian thờ của đình Khánh Thiện. Từ năm 2013 đến năm 2015, ngôi đình được bà con nhân dân địa phương phát tâm ủng hộ kinh phí để trùng tu và nâng cấp một số hạng mục. 

Thuở mới tạo lập, ngôi đình là công trình kiến trúc khá bề thế, với đầy đủ các hạng mục như: cổng chính, bình phong, cột cờ, tiền đường, chính điện, gian thờ tiền hiền, nhà khách, nhà khói. Các hạng mục được xây dựng theo lối kiến trúc dân gian truyền thống, với kết cấu tứ trụ làm bằng khung gỗ vững chắc. Tường vách được xây bằng vôi vữa, mái lớp ngói âm dương, nền lát gạch bát tràng. Trải qua thời gian tồn tại, đình Khánh Thiện trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh không thể thiếu của người dân địa phương qua bao thế hệ. Cũng giống như nhiều ngôi đình khác, hàng năm tại đình Khánh Thiện diễn ra 2 kỳ lễ chính là Tế Xuân và Tế Thu. Những dịp này, bà con nhân dân trong làng và người dân khu vực lân cận lại nhộn nhịp đến đây để cúng lễ, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu. “Đa phần người dân ở đây mưu sinh bằng nghề đi biển, dựa vào lộc biển để kiếm sống. Chính vì vậy, đình Khánh Thiện là nơi mà rất nhiều ngư dân tìm đến để cầu mong mỗi chuyến biển thuận buồm xuôi gió, đầy ắp cá tôm” - ông Lê Liễu, Phó ban nghi lễ đình làng Khánh Thiện nói. Ông Đặng Tưởng - người dân khu phố 4, phường Mũi Né cho biết thêm: “Đời trước thì tôi thường theo cha lên đình vào mỗi dịp lễ tế. Vì vậy mà việc đi lễ ở đình hàng năm đã theo mình suốt từ mấy chục năm qua. Dù có bận bịu cách mấy thì tôi cũng cố gắng thu xếp để đến đình, trước là cúng lễ, sau là cầu mong cho con cháu, gia đình mạnh khỏe, thành đạt”.

Là niềm tự hào của các thế hệ người dân làng Khánh Thiện nói riêng và Mũi Né nói chung, ngôi đình là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tinh thần vô giá của cha ông xưa để lại. Đầu tháng 12/2016, ngôi đình này đã vinh dự được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Châu Tỉnh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khánh Thiện - ngôi đình thân thuộc của bao thế hệ ngư dân Mũi Né