Phía sau những chuyến biển

22/08/2016, 08:13

Bài 1: Lao đao nghề biển

BT- Từ xa xưa, biển là nguồn nuôi sống biết bao cuộc đời, biết bao gia đình. Sau mỗi chuyến ra khơi, ngư dân lại vui mừng trước vô số cá tôm vừa thu hoạch được. Thế nhưng, đằng sau những mẻ lưới đong đầy ấy là nỗi vất vả, nhọc nhằn và cuộc sống còn nhiều bấp bênh của nghề lao động biển.

Hiện nay, thanh niên trẻ tuổi không còn mặn mà với nghề biển.

Nghề hiểm nguy

Vừa trở về sau chuyến đi biển kéo dài một tháng liền, sự mệt mỏi vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt đen sạm, hốc hác của thuyền viên Lê Văn Sơn (26 tuổi, thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong). Vì chưa quen  sóng nước, Sơn bị say sóng, nằm bệt một chỗ, lộn cả ruột gan, nôn ói mấy ngày liền. Đây là chuyến biển đầu tiên trong đời của Sơn, trên con tàu chuyên đi vây rút chì. Do mới đi lần đầu, Sơn chỉ làm những công việc nhẹ nhàng như cuốn lưới, kéo dây, ướp cá sau khi đánh bắt… Tay quệt những giọt mồ hôi ướt đẫm, vẻ mặt chưa hết mệt mỏi, Sơn kể cho tôi nghe khi lần đầu thấy những con sóng khổng lồ “liếm” thành tàu: “Thuyền cứ chông chênh, lắc lư trên những con sóng cao, trắng xóa, nước biển cứ tạt vào nên anh em trên tàu lúc nào cũng ướt, rét run cầm cập. Nhiều hôm em làm xong chân tay lạnh cóng, cứng đờ, môi tím ngắt. Chưa quen nên mệt lắm chị à, chỉ thèm ngủ không muốn ăn gì cả”. Sau một tháng lênh đênh trên biển, Sơn gầy rạc thấy rõ. Tôi hỏi vui: “Em có tính đi chuyến thứ 2, thứ 3 không, hay sợ biển rồi?”. Sơn cười một hồi rồi bảo: “Mấy chú lớn tuổi đi được chẳng lẽ em khỏe mạnh vầy mà bỏ cuộc sao chị?”.

Nỗi sợ của Sơn chỉ là một trong những nỗi lo đơn thuần của người đi biển lâu năm. Những lao động khi lênh đênh giữa trùng khơi, sống và chết là lằn ranh giới khá mong manh. Về xã Chí Công nghe những câu chuyện đầy nước mắt từ dân lặn mới thấu hiểu được nghề hiểm nguy của lao động biển. Nguyễn Văn Héc ở thôn Hà Thủy 2 bị ép nước trong khi lặn, bỏ mạng khi mới 24 tuổi để lại người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng. Sau 3 năm chồng mất, vợ Héc và đứa con nhỏ chỉ biết sống dựa vào gia đình chồng. Con không biết mặt cha, vợ vắng chồng khi tuổi  con quá nhỏ, gia đình Héc không biết rồi sẽ ra sao khi lao động chính trong gia đình đã ra đi mãi mãi. Những cái chết trẻ như Héc không hiếm ở địa phương này khi phần lớn thanh niên ở nay đều gắn bó với nghề lặn. Có những trường hợp may mắn hơn giữ lại được mạng sống, nhưng bị di chứng suốt đời, trở thành người tàn phế. Theo người dân địa phương, mỗi năm đều có ít nhất 4-5 vụ tai nạn lao động biển, đa phần đều bị ép nước. Chưa kể, tai nạn tàu thuyền diễn ra liên miên, số người chết trên biển hay mất tích cũng khiến nhiều gia đình sống bằng nghề biển cảm thấy đau lòng. Vụ thuyền trưởng Nguyễn Quang Tiên (SN 1984) ở xã Hòa Phú bị rơi xuống biển chưa tìm thấy xác là một trong rất nhiều vụ tai nạn thường gặp mà lao động biển phải đối mặt.

Biển “mặn”…

Khó khăn là vậy nhưng tài nguyên của biển cả đã giúp biết bao ngư dân đổi đời. Thanh niên mới lớn lên lần lượt theo biển như một định mệnh. Những vất vả, khó nhọc của lao động biển nhanh chóng được bù đắp khi thuyền cập bến đầy ắp tôm cá. Nhưng nay, những ngư dân kỳ cựu nhất ở vùng biển Phan Rí Cửa cũng muốn buông xuôi khi biển không còn ưu ái họ.

Hơn 35 năm bám biển làm đủ việc từ thuyền viên, máy trưởng đến thuyền trưởng, có lẽ ông Võ Mao (khu phố Hải Tân 1 – thị trấn Phan Rí Cửa) là một trong ít người ở thị trấn nhỏ này còn bám nghề. Được cha truyền cảm hứng cũng như nghe những câu chuyện kỳ thú từ biển cả huyền bí, người đàn ông có nước da ngăm đen đậm chất dân miền biển này theo cha vượt sóng ra khơi khi vừa tròn 20 tuổi. Những chuyến biển “no”, cá đầy ắp khoang thuyền liên tục cập bến đã giúp ông mạnh dạn đóng thêm 1 chiếc thuyền 250CV và giao con trai quản lý. Tuy nhiên, theo ông đó là những quá khứ huy hoàng, còn giờ những ngư dân lâu năm như ông cũng muốn “xẻ thịt” tàu thuyền. Sâu thẳm trong đôi mắt người đàn ông này là những cơ cực, vất vả và hiểm nguy mà ông đã từng nếm trải. Nếu có diễn tả thì người sống nghề bờ cũng ít hình dung ra hết. Ông Mao chia sẻ: “Để mỗi chuyến biển thành công là cả những năm dài kinh nghiệm thăm dò ngư trường và phải biết học hỏi, sử dụng, cập nhật những máy móc thiết bị tiên tiến. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng phải làm việc thâu đêm suốt sáng giữa gió và nước. Chưa kể, giông bão ngày đêm rình rập, khó bao nhiêu chúng tôi cũng chịu được, nhưng ngư trường cạn kiệt, thì lấy gì lao động bám biển sinh sống?”. Có lẽ đối với ông Mao, chưa bao giờ ông thấy biển “mặn” như lúc này.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xảy ra 45 vụ tai nạn trên biển, làm 12 người chết, 2 người mất tích, 11 người bị thương; chìm 12 tàu cá, hư hỏng 10 tàu cá khác. Trong đó, tai nạn tàu thuyền 19 vụ; tai nạn lao động 14 vụ…

M. Vân - K. Hằng


Related articles

(0) Comments
Focus
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phía sau những chuyến biển